Duy trì nét văn hóa truyền thống trong cộng đồng...

(bvd-vn.de) Nhân dịp kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức, trang thông tin điện tử của Liên hiệp mở chuyên mục „40 năm ngoại giao Việt-Đức“ nhằm giới thiệu các bài viết, hình ảnh, tư liệu… của bà con người Việt, bè bạn tại Đức, Việt Nam… về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của cộng đồng người Việt tại CHLB Đức.
 
Các bài viết đăng trong chuyên mục này thể hiện cách nhìn nhận, văn phong và quan điểm riêng của các tác giả.
 
Ban biên tập rất mong tiếp tục nhận được bài viết, ảnh tư liệu… của toàn thể bạn đọc - không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ nhập cư vào nước Đức - để giúp độc giả
bvd-vn.de  có cái nhìn trung thực về cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Đức. Chân thành cảm ơn./. 


BỘ PHẬN NGƯỜI HỢP TÁC LAO ĐỘNG VÀ QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP


Sau quá trình tồn tại và phát triển, việc nhìn lại để phân tính đánh giá nghiêm túc chặng dường đã qua là cần thiết. Là một trong những người sang Đức bằng con đường hợp tác LĐ, nhân sự kiện kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Đức Việt, tôi nhận thấy đây là một cái mốc thời gian để cùng  LH vận động bà con tham gia ý kiến nhìn lại một quãng đời của chính mình, vô tư đánh giá và cung cấp cho con cháu và lịch sử những tư liệu quí giá và trung thực về một giai đoạn đầy biến động mà chúng ta đã trải qua để từ đó LH kêu gọi những người có nhiệt huyết và trách nhiệm cùng LH tổng hợp đúc kết, viết về người Việt Nam ở CHLB Đức hiện nay.
 
Với suy nghĩ đó, tôi xin mở đầu bằng cách chuyển đến bạn đọc những cảm nhận và phân tích theo kiến thức và nhìn nhận chủ quan của cá nhân tôi về bộ phận người hợp tác lao động (HTLĐ), nó có thể đúng sai dưới nhiều lăng kính với mong muốn để mọi người cùng bàn luận và xây dựng bổ sung, cung cấp tư liệu sống động và quí giá trước khi chúng bị lãng quên để chúng ta để đi đến một cái nhìn khách quan nhất về một chặng đường đã qua.  Nếu có sai sót nhận thức, về văn phong hay bố cục  không chặt chẽ mong bạn đọc lượng thứ.  
 
I. Thời kỳ HTLĐ tại CHDC Đức
 
Năm nay Việt Nam và CHLB Đức cùng kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao. Đây cũng là thời điểm để nhìn lại một bộ phận người Việt Nam đã và đang viết lên những điểm chấm phá cho bức tranh nhiều mầu sắc trong quan hệ của hai dân tộc, hai nhà nước.
 
Nhìn về quá khứ, trong thời gian cuối cùng của nhà nước CHDC Đức, do thiếu lao động, một lực lực lượng  hợp tác lao động của các nước như Modambich, Kuba, Balan, Angola và đông nhất là Việt Nam đã tham gia làm việc tại các nhà máy xí nghiệp của CHDC Đức. Lực lượng lao động này đã thật sự có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế đang ngày càng trì trệ của CHDC Đức.
 
Việc thống nhất nước Đức thực chất đã giải phóng cho người LĐ Việt Nam khỏi những cơ chế ràng buộc. Cơ chế lúc đó có nhiều vấn đề gò bó sinh hoạt của người lao động so với điều kiện châu Âu thời đó, nhất là vấn đề ký túc xá, vấn đề chuyển kết quả lao động về giúp đỡ gia đình. Hải quan CHDC Đức coi việc chuyển kết quả LĐ về cho gia đình  là quà tặng nên đã có những áp dụng luật rất máy móc đánh vào những thùng hàng của người lao động Việt Nam mà họ đã đổi sức lao động chính đáng của mình ra hàng hóa để chuyển về nuôi vợ con, bị cho là vi phạm luật hải quan CHDC Đức, trong khi hai nhà nước không có giải pháp minh bạch giúp người lao động chuyển tiền về cho gia đình.
 
Dù vậy người LĐ Việt Nam đánh giá CHDC Đức là một nhà nước có những giá trị xã hội nhân đạo, sống có tình người trong quan hệ đồng nghiệp, có quĩ phúc lợi xã hội đảm bảo cho việc ăn ở và hưởng chế độ giáo dục và y tế nhân bản. Nhiều kỉ niệm và tình bạn trong sáng giữa những người LĐ Việt Nam với các bạn đồng nghiệp CHDC Đức đã tạo nên những bức tranh khá sinh động về tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Về tình cảm quan hệ với người lao động đồng nghiệp Đức và lãnh đạo xí nghiệp của CHDC Đức, nhìn chung người LĐ Việt Nam đều có những ấn tượng tốt đẹp cho một thời đáng nhớ đó.
 
Người LĐ Việt Nam khi làm việc ở CHDC Đức đã tận dụng mọi điều kiện ngoài giờ làm việc tranh thủ kiếm thêm tiền để giúp đỡ gia đình, vợ chồng con cái và cha mẹ ở VN. Khi có thu nhập, họ đã phải mua hàng chuyển bằng  đường bưu điện theo dạng bưu phẩm về cho gia đình, để gia đình bán đi lấy tiền sinh sống. Do nhu cầu phải mua hàng hóa để gửi về, một thị trường năng động trong nội bộ người VN đã hình thành. Nó vận động và xây dựng  theo cơ chế cung cầu rất hiệu quả nhằm chuyên môn hóa nhu cầu tìm kiếm hàng hóa có giá trị để người Việt đem lại hiệu quả tối ưu nhất.
 
Để kiếm tiền thêm ngoài giờ LĐ trong nhà máy xí nghiệp, người LĐ Việt Nam đã tạo ra được một trào lưu may quần, áo, váy bò nhái theo mẫu hàng hiệu của các hãng có tên tuổi ở phương tây. Trong giai đoạn này, ở đâu  có người LĐ Việt Nam là ở đó có cơ sở may, có người đi lấy số đo nhận đặt hàng và cung cấp quần áo bò cho nhân dân CHDC Đức.

Một mạng lưới khai thác cung cấp nguyên vật liệu cho dịch vụ này đã hình thành. (Một nhóm có "quan hệ" với các cơ sở nhập và SX vải bò cao cấp thuộc cơ quan thương nghiệp của CHDC Đức. Họ đặt hàng từ VN qua đường Thái lan, Đài Loan, Hồng Công mua các phụ kiện và mác quần bó, cúc, khóa kéo). Có thể nói, người LĐVN đã nhanh nhạy nhìn ra khe hở thị trường quần áo bò của CHDC Đức để tự tạo ra một dây chuyền khép kín nhằm đáp ứng một nhu cầu hiện hữu trong dân chúng. Trong khi CHDC Đức được coi là nền kinh tế kế hoạch phát triển trong các nước XHCN. Phải chăng đó là một minh chứng rất sống động cho sức mạnh và qui luật kỳ diệu của nền kinh tế thị trường mà người LĐVN với sự nhanh nhạy và năng động của mình  đã nắm bắt được? Họ đã tạo ra một sinh hoạt sống động, dù không được xã hội chấp nhận chính thức, nhưng đã tạo ra và đem lại sự vui vẻ và thỏa mãn cho tất cả các bên cung và cầu. Nó đã để lại dấu ấn của người LĐ VN trong lòng người dân CHDC Đức dù thời gian hết sức  ngắn ngủi trong lịch  sử  Hợp tác LĐ giữa Việt Nam và CHDC Đức.
 
Điều đáng nói là khi sang hợp tác LĐ, đa phần người LĐ VN trước đó không được đào tạo để làm việc trong những dây chuyền sản xuất công nghiệp hiện đại. Lúc đầu việc hướng dẫn làm quen với công việc của thợ cả và quản đốc phân xưởng đều phải thông qua phiên dịch. Do việc cấp bách  mỗi năm đưa một lượng  mấy chục ngàn người  qua CHDC Đức nên chất lượng phiên dịch chưa thể nói là hài lòng được. Nhưng chỉ sau vài tuần học tiếng, những người LĐ trước đó chưa hề được biết đến máy khâu hay máy móc công cụ, thậm chí đến cờ lê mỏ lết, máy hàn điểm, máy phay, máy tiện hay khái niệm dây chuyền công nghiệp còn lơ mơ, thế mà đa số người LĐVN đã đạt chỉ tiêu trung bình sau vài tuần làm việc (Normerfüllung).  Sau hai tháng nhiều người đã đạt năng xuất đến 200%. Ở nhiều nơi đồng nghiệp Đức đã tỏ ra lo ngại, vì nếu cứ đà này xí nghiệp và công ty có thể xét lại và tăng định mức thì nguy cơ không đạt định mức của công nhân Đức sẽ trở thành sự thực.
 
Người LĐ VN đã để lại ấn tượng tốt cho lãnh đạo các xí nghiệp, họ cũng tạo được thiện cảm với đồng nghiệp Đức bởi sự cần cù, vui vẻ hòa nhã và tinh thần hữu nghị.
 
Do thiếu quan tâm của hai nhà nước, hiện tượng người LĐ VN đi "săn hàng" để gửi về nhà đã tạo ra một trào lưu "thu gom" tích trữ, bước đầu cho nhu cầu cá nhân, sau nếu thuận lợi sẽ là những món hàng đầu cơ kiếm lợi cho những người có "điều kiện khai thác" các mặt hàng đó và nó đã trở thành một hệ thống "dịch vụ" khá hiệu quả như đã nói ở trên. Việc đóng bưu kiện gửi hàng về đã chiếm hơn 70% thời gian còn lại của người VN sau giờ làm việc.
 
Nếu sáu mươi ngàn người LĐ VN mà sống trong nền kinh tế thị trường thì nhu cầu đó của họ sẽ trở thành động lực không nhỏ, mua hàng hóa nội địa chuyển (thực chất là xuất khẩu ) về Việt nam, để kích thích sản xuất. Nhưng thực tế trong nền kinh tế kế hoạch của CHDC Đức nó đã trở thành một nguyên nhân  gây lên sự khan hiếm hàng hóa cho  hệ thống thương nghiệp XHCN của CHDC Đức được vận động theo cơ chế "kế hoạch".
 
Dù là những người lao động tốt, có tổ chức, có kỉ luật, được đồng nghiệp Đức quí mến nhưng dần dần dưới con mắt người dân CHDC Đức, người LĐ Việt nam đã  ít nhiều bị coi là thủ phạm tạo thêm "căng thẳng" trong lĩnh vực lưu thông và cung cấp hàng bách hóa của CHDC Đức.
 
Khi nước Đức thống nhất, dư luận truyền thông Đức cho rằng: Người hợp tác LĐ VN là những người thua thiệt trong sự kiện này. Là người trong cuộc đa số người LĐVN lại có cái nhìn tương đối khác.
 
Với đền bù 3000 DM ai cũng nhìn được trong thời điểm đó nếu mua vàng sẽ có trong tay ít nhất khoảng 6 cây (giá lúc đó khảng hơn 40 DM/1 chỉ vàng). Nếu cứ tiếp tục lao động đến hết thời hạn thì  những người bình thường, khi đóng hòm với 1 xe máy hai xe đạp như qui định và các loại hàng hóa khác tổng cộng khoảng 2 m³ thì giá trị đổi được khi vể đến Việt Nam chắc cũng chỉ tương đương. Nay được trở về với gia đình sau mấy năm xa cách, người lao động sẽ giải quyết được những vấn đề khó khăn, tình cảm, cũng như việc nuôi dạy con cái. Họ lại có thu nhập  kinh tế thực sự cao hơn rất nhiều so với dự tính khi thực thi hết hợp đồng ở thời CHDC Đức. Ai trước khi về cũng đều có khoảng thời gian nghỉ một vài tháng chờ máy bay để " đi chợ " và trong số thời gian ngắn ngủi lúc giao thời đó mọi người đều kiếm được số tiền gấp 3 đến 4 lần số tiền đền bù, thậm chí có người "bỏ túi" được đến 30 ngàn US$ về làm vốn.
 
Người lao động ở CHDC Đức về nước trong sự kiện thống nhất nước Đức đã thật sự được "đổi đời" so với hoàn cảnh thu nhập còn rất khó khăn của đa phần dân chúng VN thời đó. Dọc đường đê sông Đuống lên sân bay Nội Bài đã có cả một dãy phố của người đi hợp tác LĐ ở CHDC Đức về mua đất và xây lên như một dấu ấn thành đạt của người Hợp tác lao động VN.
 
II. Người HTLĐ ở CHLB Đức
 
1. Điều kiện và hoàn cảnh ban đầu.
 
Hơn năm chục ngàn người LĐ hợp tác ở CHDC Đức đã tình nguyện nhận bồi thường hợp đồng trở về Việt Nam. Số người ở lại khoảng tám ngàn, đa số là bà con ở miền Bắc. Sau một thời gian những người ở lại đã đón vợ (chồng) con cái hay về VN lấy vợ hoặc chồng đưa sang. Chính vì thế nhóm người có liên quan đến lao động hợp tác ở lại đã lên đến khoảng hơn 30 ngàn người, và tiếp tục phát triển.
 
Những người ở lại lúc đầu phải chấp nhận sự mạo hiểm là tự bươn trải, không còn tổ chức đội LĐ họ phải tự quan hệ với chính quyền sở tại. Đa số thất nghiệp và phải tự đi kiếm nhà vì phải ra khỏi ký túc xá công nhân của xí nghiệp. Họ phải chấp nhận tự túc tiền vé máy bay về nước sau khi hết hợp đồng LĐ sau 5 năm.
 
Qua tìm hiểu, đa số những người ở lại đều là do tò mò, muốn trải nghiệm cuộc sống của một nước tư bản phát triển, muốn tranh thủ điều kiện thuận lợi lúc giao thời của một thị trường còn bỏ ngỏ mà những người  đồng hương  trước khi ra về đã "gặt hái"  được.
 
Đa số những người ở lại đều là những người còn độc thân, còn trẻ hay những  đôi lứa yêu nhau muốn gắn bó với nhau trong môi trường mới.  Những người có gia đình ở VN, nhưng đã có người tình mới, chưa muốn quay lại cuộc sống gia đình mà họ đã có những bất đồng trước khi đi hợp tác lao động và cuối cùng phải công nhận đó là những con người dám mạo hiểm và dám bươn trải để khai thác một điều kiện "trời cho" để trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm sống.
 
Xí nghiệp cũ phần lớn đã đóng cửa hoặc giải thể, một số ít còn tồn tại thì phải giảm biên chế nên người LĐVN không bằng cấp, không có chứng chỉ nghề nghiệp, không nói được tiếng Đức, đương nhiên là bị loại dù họ làm việc tốt. Họ được trả về sở lao động ăn thất nghiệp, họ chỉ được ở lại ký túc xá trong những thời hạn nhất định rồi phải tự đi thuê nhà.
 
Thật ra trong giai đoạn này, ngoài người hợp tác LĐ tại CHDC Đức ở lại, trên nước Đức mới, có nhiều người VN từ các nước Đông Âu tràn qua. Đa số họ cũng là CN LĐ hợp tác nhưng cũng không ít những phần tử tội phạm bị truy nã ở VN đã trốn ra nước ngoài trà trộn vào dòng người LĐ từ các nước Đông Âu tràn vào Đức. Tầng lớp tội phạm hình sự này đã lập tức tung hoành gây rất nhiều vụ trộm cắp, cướp bóc trong nội bộ người VN.
 
Điển hình trong giai đoạn này đầu tiên là nhóm tôi phạm từ Tiệp khắc tràn qua, nó đã trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi trong cộng đồng người LĐ VN ở Berlin lức bấy giờ.
 
Thị trường buôn thuốc lá lậu đã rất nhanh chóng chuyển từ tay một số người LĐ Đông Đức sang tay nhóm người có tiền án tiền sự cũng như thanh niên lêu lổng ở VN được người nhà hay "ai đó đầu tư " để sang Đức "tỵ nạn“. Trong giai đoạn này sự hoành hành của các băng đảng  Mafia thuốc lá VN đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng đối với hình ảnh của người VN cũng như đất nước VN ở nước Đức. Do chưa điều tra và không nắm được bản chất của sự việc, truyền thông  Đức đã thổi phồng lên về tổ chức Mafia thuốc lá VN. Họ cho đó là một tổ chức Mafia tàn bạo có sự tổ chức rất chặt chẽ và hoạt động rất hiệu quả.
 
Thật sự sau khi nước Đức quyết định vào cuộc để dẹp tệ nạn này, chỉ sau vài năm cái gọi là tổ chức Mafia thuốc lá Việt Nam đã gần như tan rã. Vì thực chất nó chỉ là những nhóm tội phạm nhỏ từ VN qua, lợi dụng sự dễ dãi của CA Đức, không quan tâm thỏa đáng đến trấn áp tội phạm chỉ xảy ra trong nội bộ nhóm người Việt, nên đã lao vào tranh giành ảnh hưởng bằng bạo lực man rợ, sẵn sàng giết và thanh toán nhau rất tàn bạo. Thực chất là chỉ để phục vụ mục tiêu: Chiếm lĩnh chỗ đứng bán thuốc lá, nhằm khai thác "thu tô" của những người VN tị nạn từ các vùng quê nghèo đói được "hùn vốn" để đưa sang Đức, rồi không còn con  đường nào khác. Chỉ khi vào điều tra công an Đức mới biết cái gọi là băng đảng Mafia thuốc lá Việt Nam chỉ tham gia vào  khâu mắt xích cuối cùng của các băng đảng Mafia thuốc lá quốc tế trong lĩnh vự buôn bán thuốc là lậu.
 
Các nhóm "Mafia thuốc lá VN" chỉ đủ năng lực mua hàng đã chuyển vào Berlin rồi tổ chức  phân phối đi bán lẻ. Còn Mafia thuốc lá thực sự, tổ chức sản xuất, mua bán thuốc lá lậu ở  các nước Đông Âu và chuyển vào Đức là các băng Đảng của Nga và Ba lan với qui mô làm ăn xuyên quốc gia. Các tổ chức Mafia này móc nối với người "tiêu thụ" là các nhóm Mafia thuốc lá VN" nhỏ lẻ để giúp bọn họ tiêu thụ sản phẩm. Và trên thực tế chỉ có một số rất ít người hợp tác LĐ VN tham gia hoạt động phạm pháp này vào buổi giao thời, cho đến khi pháp luật bắt đầu hoạt động trừng phạt  thì về cơ bản họ đã chấm dứt vì họ vẫn thuộc vào tầng lớp"có tóc" nên cũng biết sợ pháp luật. Hơn nữa họ đều nhìn thấy, tương lai cho gia đình sẽ thuận lợi hơn  nếu họ tuân thủ pháp luật. Định kiến cho rằng người lao động hợp tác đã gây lên sư kiện "Mafia thuốc lá VN" là sự võ đoán mang tính vu cáo rất ác ý.
 
Ban đầu nước Đức thống nhất đã cho người LĐ Việt Nam hưởng qui chế "Aufenthaltsbewilligung". Đây là qui chế được phép ở lại nước Đức nhưng không có khả năng gia hạn, hết hạn là phải về. Khi ở lại nước Đức theo qui chế này, người nước ngoài phải có nghĩa vụ như mọi công dân trên nước Đức, tức là phải có nghĩa vụ đóng thuế và tham gia đóng tất cả các bảo hiểm xã hội, ý tế, hưu trí và thất nghiệp. Họ bị những hạn chế chỉ được đi làm thuê và làm những công việc nhất định, rất ít người được phép tự kinh doanh. Tùy điệu kiện cụ thể, người được hưởng qui chế này hoàn toàn phụ thuộc vào quy định cho phép lao động và hành nghề của từng địa phương và sự linh hoạt ứng dụng của người thực thi pháp luật  ở sở ngoại kiều.
 
Không biết được hoàn cảnh bất lợi và bất công của mình, nhưng người HTLĐ VN đã rất may mắn vì ở xã hội Đức có những chính khách và những người làm công tác xã hội đã nhận ra được sự thiếu công bằng của chính phủ Đức. Họ đã vận động và liên kết các lực lượng yêu công bằng, có cảm tình với người Việt Nam, cùng những người Việt Nam có tinh thần cộng đồng và có khả năng tiếng Đức để tổ chức đấu tranh giành quyền ở lại cho người lao dộng VN.
 
Một số hội đoàn người Việt hay hội đoàn Đức đấu tranh cho người LĐ Việt Nam đã được hình thành trong giai đoạn này. Một mặt họ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc nhằm vào người Việt Nam, mặt khác liên  kết với nhau thành một mặt trận để đòi quyền ở lại cho người lao động Việt Nam  đang  hưởng qui chế Bewilligung sinh sống  tại CHLB  Đức, được bình đẳng như những người lao động của các quốc gia khác (Thổ Nhĩ kỳ, Nam Tư, Ý, Tây Ban Nha...) sang làm việc tương tự  ở CHLB Đức và họ đã được phép định cư ở nước Đức.
 
Hội người Việt Nam Berlin và Brandenburg đã ra đời trong giai đoạn này và đã có vai trò nhất định trong việc tập hợp và tổ chức các cuộc biểu tình gây sự chú ý của dư luận cũng như hợp tác với các chuyên gia pháp  luật, các luật sư, các đảng phái chính trị để vận động họ lên tiếng và có tham luận đấu tranh cho quyền ở lại cho người LĐVN.
 
Ở Berlin đã có các hội đoàn người nước ngoài ủng hộ VN như Reistromel (trống cơm) Bürger Initiativer (BI), VIA (Verband für Interkulturelle Arbeit). Babel e.V... các chính trị gia có tiếng như ông Gregor Gisy, bà Almuth  Berger, bà luật sư Schlagenhaus... các đảng Linke, Grün, SPD... đã có những đóng góp khá quyết định cho việc người LĐ VN được chuyển đổi dạng lưu trú từ Aufenthaltsbewilligung sang Aufenthaltsbefugnis.
 
Chuyển sang dạng lưu trú này, nước Đức đã nới lỏng một bước quan trọng là người LĐVN có khả năng được ra hạn lưu trú nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
 
1. Tự nuôi sống được mình và gia đình mình (phần lớn phải bằng lỗ lực kinh doanh tự lập).

2. Có nhà ở đủ rộng theo tiêu chuẩn của Đức.

3. Không phạm pháp.

4.Có đủ bảo hiểm y tế cho mình và gia đình mình.

Như vậy, trước khi hết hạn ở lại 5 năm theo hợp đồng LĐ trước đây và cái khóa Bewilligung, người LĐ VN (do được sử ủng hộ của các chính khách Đức và các nhà hoạt động xã hội có lương tâm cộng với sự cố gắng lên tiếng của mình) đã được giải phóng khỏi các điều kiện ràng buộc trước đó, được phép ra hạn quyền lưu trú khi đáp ứng được những điều kiện ở lại đã được qui định công khai.
 
Với dạng cư trú này, cứ hai năm người muốn định cư phải gia hạn một lần nên người LĐVN đã gặp rất nhiều thiệt thòi. Trước hết với thời hạn ngắn ngủi  2 năm, cộng với điều kiện gia hạn rất chặt và rất khó, việc  kiếm được đủ thu nhập cho gia đình là một sự cố gắng, lấy công làm lãi nên các gia đình VN phải tập trung vào kinh doanh chứ không thể có thời gian và sức lực để đầu tư cho chìa khóa của hội nhập toàn diện là tiếng Đức.
 
Trong hoàn cảnh bất lợi của dạng cư trú này, ai cũng nghĩ đến khả năng không ra hạn được nên phải tích cóp để ra về. Vì thế  vấn đề định hướng  và chuẩn bị cho việc ở lại lâu dài là điều ít ai dám nghĩ tới. Việc "ăn đong" thời hạn định cư đã phá hỏng cơ hội hòa nhập của cả thế hệ đầu tiên của người LĐVN.
 
Cho đến khi được nước Đức cho phép họ có thể ở lại lâu dài (năm 1997) thì họ đã có gia đình và con cái, guồng kinh doanh đã hình thành và nuôi sống gia đình, họ  rất khó dứt ra, hơn nữa  tuổi đã vượt qua nửa đời người nên việc bây giờ trở lại trường để học tiếng giúp cho hòa nhập, để đi học nghề là không tưởng. Kể cả khi học có kết quả được ra trường với một chứng chỉ nghề nghiệp nào đó, với tuổi của người trẻ nhất cũng trên 35 tuổi thì cơ hội xin việc ở lứa tuổi này trong điều kiện xã hội Đức đang thừa nhân lực, nhiều người Đức ở CHDC Đức có nghề nghiệp chính qui thất nghiệp, trong khi người LĐVN  lại chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp thì cơ hội xin được việc làm sẽ là không tưởng. Cộng với tư duy hy sinh đời bố củng cố đời con, người LĐVN đã lựa  chọn con đường chấp nhận lao động cường độ cao để tạo cho gia đình một cuộc sống ổn định, để con cái họ có điều kiện thuận lợi nhất tập trung cho học tập. Đó là một quyết định mang tính bắt buộc nhưng lại rất phù hợp với truyền thống đạo đức và văn hóa  gia đình của người Việt Nam và hợp lý trong hoàn cảnh thực tế của nước Đức (thừa nhân lực LĐ đã được đào tạo tại CHDC Đức).
 
Nhìn lại những gì đã xảy ra và đạt được của người Hợp tác lao động trên nước Đức phải đánh giá đó là sự cố gắng phi thường của cả một thế hệ,  dù bất lợi đủ đường trong giai đoạn đầu tiên ở lại nước Đúc, họ đã tạo ra cho con cháu mình một cuộc sống và một điều kiện tuyệt vời để hòa nhập. Sự thành công của thế hệ thứ hai thứ ba là công lao, là ý thức và nhận thức về quan điểm giáo dục truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam của thế hệ thứ nhất.
 
Đa số người sang hợp tác lao động chưa bao giờ kinh doanh. Họ đã ra đi khi mới rời ghế nhà trường phổ thông, từ các miền quê của Việt Nam, trải qua quân ngũ, là cán bộ CNV của các cơ quan xí nghiệp. Thị trường và kinh doanh là những điều xa lạ với đa số mọi người. Vậy mà khi thực tế đòi hỏi, người VN đã nhanh nhạy chớp lấy thời cơ để tạo dựng cơ đồ của mình. Từ tay không, không kiến thức, không kinh nghiệm, không vốn liếng và không có tư cách pháp nhân chuẩn mực, thế hệ đầu tiên của người LĐVN đã mày mò, dùng bản năng nhạy bén, cần cù và tinh thần lạc quan, họ đã không nề hà khi cảm nhận được, bằng sự cố gắng của mình để tận dụng thời cơ giao thời để kiếm tiền, trong điều kiện mù tịt về thị trường, về tương lai nhưng ít ra là nó có hiệu quả, hiệu quả hơn hẳn những gì mà họ đã từng trải nghiệm, từng bôn ba trước đó.
 
Họ đã nhìn thấy cơ hội dù không biết còn kéo dài bao lâu, nhưng nó là cơ hội không thể bỏ qua, cần khai thác. Thế là tất cả trở thành doanh nhân (kể cả những người đã được đào tạo có bằng cấp ở Đức nhưng do dạng lưu trú có thời hạn nên không đủ điều kiện để tham gia hành nghề được đào tạo) tất cả lao vào thương trường dưới sự tác động của cơ chế và qui luật thị trường, một mặt để đáp ứng những điều kiện khắt khe để ra hạn cư trú, mặt khác để khai thác những thuận lợi của buổi giao thời, lợi dụng việc quản lý thị trường, quản lý con người của sở lao động còn lỏng lẻo, người VN đã "xuống đường" tham gia buôn bán, lúc đầu là không đăng ký và bán tất cả những gì mà người VN đi đến khu giao hàng sỉ mua được. 

Bài: Vũ Quốc Nam (Berlin)

HẾT PHẦN I

Go to top