Các hội cơ sở luôn quan tâm tới thế hệ con em sinh ra tại Đức...(Nguồn ảnh: MiFaFa)


PHẦN II 

I. Kinh doanh và ngành nghề kinh doanh của người HTLĐ.

 
1. Ngành quần áo và quà tặng
 
Có lẽ đến 80 % người VN HT LĐ đã học nhau đi bán quần áo và hàng quà tặng. Một số người đã bắt chước người Thổ bán rau và hoa quả. Ở Berlin có hai phụ nữ Việt Nam đã có kinh nghiệm kinh doanh từ trong nước đã biết chớp lấy thời cơ, sau khi môi giới thành công việc thuê máy bay trở người LĐVN về nước có vốn, có chị  đã mở một chuỗi Imbiss bán nem rán, bánh bao và cơm rang, mì xào cho mọi người thuê nên có thể nói chị đã là người khởi nghiệp cho một hướng làm ăn khá thành đạt cho người LĐ VN sau này, đó là ngạch Gastronomie. Còn người kia thì mở siêu thị bán hàng bách hóa kiểu "Kaufhaus" của CHDC Đức và đã nhập một số hàng hóa từ VN qua. Tuy chị không trụ được do quan điểm kinh
doanh nhưng đó cũng là một hướng mà sau này người VN cũng đã tràn vào chiếm lĩnh, kinh doanh "Lebensmittel" mà dịch sang tiếng Việt là siêu thị thực phẩm.

Như vậy dù đang ăn thất nghiệp, người HTLĐ đã biết tận dụng cơ hội để tích lũy vốn khởi nghiệp của mình. Sự xuống đường ngay từ "thuở ban đầu" của nền kinh tế thị trường khi nó chưa đi vào quy củ ở miền Đông Đức cũ, người LĐ VN đã nhanh chóng hòa nhập vào thị trường Đức để tìm cho mình một chỗ đứng, dù là rất khiêm tốn nhưng quan trọng cho bản thân họ và gia đình ở VN.
 
Nay nhìn lại rõ ràng người hợp tác LĐ VN đã có một xuất phát điểm có thể nói là những con số không tròn trĩnh. Họ không hiểu biết về pháp luật hiện hành của nước Đức, không biết xã hội Đức có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lập nghiệp, kiến thức tiếng Đức đa phần là lõm bõm không hiểu được những giải thích hay những trao đổi thông thường với công sở. Do đó nhiều người đã "vô tình không biết" nên đã kinh doanh phạm pháp. (Buôn lậu thuốc là, băng Kasset copy lậu...).
 
Những người tỉnh táo biết dừng đúng lúc nên có một chút vốn liếng để phát triển sau này và bình an vô sự. Nhưng cũng có một số do quá say mê với "thắng lợi" không dừng lại đã bị pháp luật xử lý nên cũng trắng tay. Những bài học kinh nghiệm đau buồn đó đã răn đe phần lớn người LĐ VN khác, biết tránh sự sai lầm phạm pháp để có một lý lịch sạch sẽ mới hy vọng được gia hạn sau này.
 
Không được đào tạo trong bất cứ lĩnh vực nào của thương trường, vậy mà người LĐVN đã bươn trải và thành công ở rất nhiều lĩnh vực.
 
Như trên đã nói, khởi đầu sự nghiệp kinh doanh là người LĐVN đã lao vào thị trường bán quần áo và quà tặng. Có thể nói, sự khan hiếm quần áo thời trang trong nền kinh tế kế hoạch đã tạo ra cho người Việt Nam cơ hội vàng để hình thành mạng lưới cung cấp quần áo và hàng quà tặng đến tận các vùng hẻo lánh xa xôi của CHDC Đức. Khởi nghiệp là những người bán hàng trong những túi dứa nhẹ có dung tích bằng túi du lịch chơi thể thao, đi lại  bằng phương tiện công cộng. Khi họ đến nơi rồi trải khăn (ban đầu là trải ga giường của ký túc xá, sau thay bằng các khăn trải bàn nylon) bán dưới đất những sản phẩm rất đơn giản là những  khăn kim tuyến, áo len, Bluse, T-shirt, những thỏi Pin rồi các đồ chơi, con thú điện tử như chó nhảy, quà tặng, băng Kasset thu lậu...
 
Chỉ một thời gian sau, những người ở lại  đã chuyên nghiệp hơn là mua ô tô rồi tận dụng các bàn trong ký túc xá tháo rời chở theo xe rồi dùng cờ lê lắp tại chợ. Chỉ khi nước Đức đã thật sự thông thương, những người buôn bán tốt mới bắt đầu mua ô dù, bàn xếp bán chợ chuyên nghiệp của người Thổ và người Ấn độ, Pakistan... Cứ như thế cùng với thời gian, tính chuyên nghiệp của việc kinh doanh được nâng lên cả về vật chất lẫn tư duy kinh doanh.
 
Do nhu cầu, những người nhanh nhạy và có đầu óc đã bỏ bán lẻ, đi khai thác hàng giao sỉ cho người bán lẻ. Nhiều ký túc xá ở Berlin, Dresden, Leipzig, Magderburg, Erfurt đã hình thành các khu giao hàng tạo ra sự mua bán tấp lập và kèm theo đó cũng không ít sự phức tạp hình sự. Dù sao với điều kiện của mình, việc hình thành một mạng lưới kinh doanh khép kín trong người Việt là tác động tất yếu của qui luật cung cầu. Nó đã giải quyết căn bản những khó khăn về ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa trong các khâu trung gian của chu trình lưu thông hàng hóa của người Việt Nam và nó đã thật sự đóng góp cho sự phát triển kinh doanh của người Việt Nam khi mà đa số không có khả năng giao tiếp trực tiếp với bạn hàng kinh doanh là người Đức hay người nước ngoài.
 
Hơn nữa, khi hình thành các khu giao hàng, kể cả người quản lý cho thuê mặt bằng cũng như người bán sỉ đều ý thức được rằng, sản phẩm mình cung cấp cho bạn hàng người Việt phải rẻ và hấp dẫn hơn so với việc người Việt đi mua hàng của bạn hàng ngoại quốc, nên họ cũng tuân theo nguyên tắc chủ yếu lấy công làm lãi để cả cộng đồng cùng có lợi. Luật bất thành văn nhưng đó là thực tế và chính nó là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển kinh doanh thành công của cả cộng đồng chúng ta.
 
Qui luật thị trường được người Việt Nam ứng dụng là như vậy, không ai bảo ai nhưng ai cũng cảm nhận được điều mình cần làm và tự giác tuân theo qui luật đó. Bản chất và vai trò của các khu giao hàng mà người Việt gọi là chợ ở các nơi đã trở thành trung tâm đầu mối xuất phát cho mọi sinh hoạt kinh doanh và ngày càng trở nên quan trọng cho các sinh hoạt văn hóa, nhất là văn hóa ẩm thực và là nơi giao tiếp nhân các sự kiện gia đình của người Việt Nam.
 
Cho đến nay, dù lực lượng bán lẻ quần áo ở chợ ngoài trời đã giảm đi nhiều do một mặt người bán hàng đã lớn tuổi không thể chịu đựng được cường độ lao động vất vả như trước đây, mặt khác các hãng kinh doanh lớn của nước Đức đã có đủ thời gian chuẩn bị để vào cuộc một cách bài bản, dần dần họ đã chiếm lại thị trường bán lẻ hàng hóa bình dân, đã bóp chết căn bản những tiểu thương đơn lẻ VN.
 
Một số người VN đã chuyển sang mở các cửa hàng bán quần áo trong các khu phố bán lẻ sầm uất hay trong các siêu thị. Khi đã chuyển sang bán trong các cửa hàng, người chủ phải học cách trang trí bày biện chuyên nghiệp hơn. Một số đã biết dùng Manơcanh (Mannequin) để quảng cáo mẫu mã, đã biết thuê Marketer có nghề trang trí hàng bầy mẫu theo các mùa để thu hút khách cao cấp hơn. Rõ ràng sự chuyên nghiệp hóa trong kinh doanh đã từng bước được nâng cao, nhận thức và trình độ của người kinh doanh cũng khá lên.

Sức mua trong các chợ bán sỉ tuy có ít đi so với lúc cao trào nhưng nó vẫn đủ nuôi sống những khu bán sỉ ở các thành phố lớn, mà hiện nay một vài khu giao hàng đã phát triển trở thành biểu tượng cho sự phát triển của người VN và trở thành điểm du lịch hấp dẫn của thành phố như khu trung tâm thương mại Đồng Xuân  ở Berlin. Đến đây không chỉ là nơi tụ điểm giao lưu của những người Việt kinh doanh và mua thực phẩm châu Á mà Đồng Xuân ngày càng có đông người Đức và người các dân tộc khác đến để mua hàng, để thưởng thức ẩm thực "original" Việt Nam và tham gia vào các lễ hội và liên hoan gia đình của người Việt Nam.
 
Nhiều người trước đây đã cho rằng các khu giao hàng của người Việt Nam là xã hội song song của người Việt, nó cản trở sự hòa nhập của người Việt Nam vào xã hội Đức. Nhưng thực tế các khu giao hàng không phải là khu đặc biệt của người Việt Nam và chỉ dành cho người Việt Nam. Các doanh nghiệp trong khu TTTM Đồng Xuân đã giúp nó trở thành một trong những khu đóng thuế lớn nhất của Quận  Lichtenberg/Hohenschönhausen. Không những thế Đồng Xuân còn là một khu mở, hấp dẫn người Đức cũng như công dân của  các dân tộc khác đến giao lưu và qua đó nó đã trở thành một điểm đa văn hóa, tô thêm những mảng mầu mới lạ cho hình ảnh Berlin, làm phong phú hơn hình thức Zuwanderung của nước Đức. Và gần đây người ta lại đưa ra khái niệm "Hòa nhập ngược" để gán cho khu Đồng Xuân này.
 
Không biết hòa nhập phải xuôi hay ngược mới đúng. Nhưng cuối cùng người ta cũng nhận thấy, ở bất cứ nơi nào trên nước Đức này, nơi con người giao lưu được với nhau bằng tiếng Đức, hiểu nhau, chấp nhận nhau, tiến hành mua bán với nhau trên cơ sở pháp luật Đức và các bên đều vui vẻ và tôn trọng nhau thì ở đó đang diễn ra quá trình hòa nhập rất sống động.
 
Trong bước đường đi lên của người LĐVN, Textilienhandeln (kinh doanh hàng may dệt) đã có vai trò khởi nghiệp, nó đã đưa phần lớn người VN ở CHDC Đức trước kia bước vào thương trường một cách vừa tự nhiên  vừa có tính cưỡng bách, do điều kiện bắt buộc phải chứng minh khả năng có thu nhập để gia hạn. Nó vừa là cơ hội đồng thời  cũng là con đường đơn giản nhất để bất cứ ai khi cần thiết chỉ cần sự hướng dẫn và cho vay vốn ban đầu là có thể hành nghề được.
 
Lúc lập nghiệp ban đầu, có người chỉ có vài trăm D-Mark  tiền vốn để đi mua hàng. Với sự kiên nhẫn cần cù và bản tính  "năng nhặt chặt bị" nhiều người đã đi lên từ lĩnh vực "buôn bán hàng vải" như người Việt đã đặt tên cho nghề khởi nghiệp của người LĐVN tại nước Đức.
 
Nhìn lại, ít ai có thể nghĩ rằng mình đã có thời lăn lội phi thường đến như vậy. Là người sinh ra ở miền nhiệt đới ấm áp, vậy mà đa số người VN đi kinh doanh thời gian đầu đã trải qua giai đoạn đứng bán hàng trong những phiên trợ ngoài trời. Đặc biệt là thời kỳ chợ mùa Noel (Weihnachtmarkt),  từ sáng tinh mơ dọn hàng ra đến tận tối mịt sau 20 giờ mới dọn hàng ra về trong cái rét âm 15 hay 20 độ, lò sưởi ga chỉ giúp người ta ấm từ  phần bụng trở lên. Dù đi đôi ủng bông có lông và đi nhiều tất, đôi chân vẫn tê cóng và tấy xưng do lạnh. Họ đã làm việc như vậy quần quật từ năm này qua năm khác, từ ngày này qua ngày khác không có ngày nghỉ và Urlaub (nghỉ phép).  Với họ đó là khái niệm hết sức xa lạ. Không đi chợ bán hàng thì họ phải đi lấy hàng xa hàng trăm cây số. Đối với họ đó là nghỉ ngơi tích cực vì đến đó sẽ gặp lại bạn bè người quen, có thể cùng ngồi với nhau trong quán ăn, trao đổi với nhau dăm ba tin tức về quê hương, bạn bè để rồi lại tất bật chia tay đường ai nấy về và lại quay lại điệp khúc của một tuần mà ngày nào cũng sáng chở ôđi, dọn hàng, bày biện trang trí, bán hàng, tối đến lại thu gom bê lên ô tô trở về nhà.
 
Đó là chưa kể đến những vất vả khi bán hàng ngoài trời phải đương đầu với gió và mưa. Đi bán hàng ngoài trời người Việt mới nhận ra rằng, sao mà nước Đức lắm gió thế. Gió nhẹ thì cũng làm cho quần áo đung đưa rơi xuống đất, mạnh có thể thổi bay cả ô lều dù đã được neo giữ bằng các điểm cố định kiên cố hay cọc đóng xuống đất cẩn thận. Có lẽ không ai thoát cảnh đổ ô, áo quần bay như bươm bướm, gió cát bụi đã tàn phá hàng hóa đến xót ruột. Mỗi lần như vậy người bán hàng lại phải thu gom về giặt là lại và loại bỏ những sản phẩm không thể dùng được nữa. Với những người đi chợ, ngủ dậy nghe dự báo thời tiết là nhu cầu không thể thiếu cho một ngày làm việc của mình. Vì thế có lẽ dự báo thời tiết là phần xem duy nhất của TV Đức mà người Việt Nam nào cũng xem và đều hiểu chính xác diễn biến thời tiết trong ngày.
 
2. Ngành rau quả tươi
 
Bán rau tươi và hoa quả lúc đầu cũng là xu thế đứng thứ hai về lượng người tham gia trong cộng đồng VN ở các tiểu bang mới của nước Đức. Đặc điểm của lĩnh vực kinh doanh này là có kết quả kinh doanh rất rõ ràng, sau ngày bán hàng là biết ngay hiệu quả lỗ lãi, vốn lưu động không nhiều, ít bị tồn đọng vốn do có thể lập tức rút kinh nghiệm trong khâu lấy hàng. Nhưng trong lĩnh vực này nó đòi hỏi người kinh doanh phải có sức khỏe, và phải có được vị trí kinh doanh thuận lợi. Nếu hàng bán chạy, hầu như ngày nào người "chủ" cũng phải dậy từ hai ba giờ sáng đi lấy hàng. Họ phải bốc hàng tấn hàng lên xe ở chợ đầu mối rồi xếp xuống nơi bán hàng.
 
Nhà nào có cửa hàng thì tiết kiệm được khâu bốc hàng lên ô tô sau khi đi bán hàng. Đó là chưa kể đến các gia đình bán không được nhiều nên chỉ đi lấy hàng có hai hay ba lần trong tuần. Những hôm đi lấy hàng, người kinh doanh lại phải bốc hàng cất tạm vào nhà để lấy chỗ trong ô tô đi mua đủ lượng hàng cho hai ba ngày tiếp theo. Tóm lại, để bán được hoa quả rau tươi, người bán hàng hàng ngày phải bốc lên hạ xuống hàng tấn hàng bằng cơ bắp. Do vậy sau khoảng chục năm ngoài vấn đề sức khỏe, sự cạnh tranh  của các  siêu thị thực phẩm Đức cũng đã vào cuộc cung cấp rau và hoa quả trong cửa hàng của họ đã đánh bại sự cạnh tranh đơn lẻ của người VN, số người  kinh doanh mặt hàng này đã giảm đi hơn 70%.
 
3. Ngành Gastronomie (Dịch vụ ăn uống)
 
Cùng với hàng vải và rau tươi hoa quả, bán Imbiss châu Á là mặt hàng kinh doanh sớm của người VN. Số lượng người làm nghề này ngày một nhiều vì tính hiệu quả của nó. Ban đầu, một số người đi bán thuê cho chuỗi Euro-Asia Imbiss do người phụ nữ nổi tiếng thương trường thời đó đứng ra mở và cho thuê. Người VN ta có đặc điểm, nếu ngạch nào làm ăn có hiệu quả là người ta đổ xô đến học hỏi và làm theo. Thế là chỉ sau một thời gian, nhiều quầy Imbiss đã mọc lên về cơ bản là cùng mô hình, cùng cách kinh doanh và thậm chí cùng cả sản phẩm. Họ học truyền tay và ít nhiều đều có chút ít Fantasi để tạo ra "thương hiệu" của mình.
 
Như chúng ta đều biết, cho đến lúc này, đa số người LĐ VN chỉ biết nấu ăn đơn giản cho gia đình, hầu như  chưa ai có kiến thức về nấu ăn để kinh doanh. Hầu như ai cũng thấy lạ lẫm bỡ ngỡ với việc rán nem, rang cơm xào mì  để bán cho khách, nhưng rồi ai cũng làm được, tay nghề càng ngày càng khá. Phải chăng đó là năng lực, là sự khôn ngoan năng động của người VN?
 
Nhưng cũng trong ngành ăn uống, người LĐVN đã phải trả giá khá đắt cho sự thiếu kiến thức cũng như điếc không sợ súng của mình trong lĩnh vực này.
 
Đó là phong trào mở "Chinarestaurant" của người LĐ khi nước Đức mới thống nhất. Chưa có khảo sát tìm hiểu để xác định, ai là người VN đầu tiên ở CHDC Đức đã khởi đầu "phong trào" này và người khởi đầu đó có tồn tại và đi lên từ sự khởi đầu  ngoạn mục này không? Nhưng điều chắc chắn rằng, sự thành công của người khởi xướng đã kéo theo cả một trào lưu "cách mạng" mở nhà hàng Tàu ở mọi nơi mọi chỗ có người VN sống và đông dân cư Đức.
 
Vậy nhưng ở mỗi thành phố lớn thuộc CHDC Đức cũ lúc bấy giờ có hàng chục nhà hàng"Chinarestaurant" còn ở các thành phố nhỏ thì 3 đến 5 chiếc, các thị trấn thì ít cũng 1 nhà hàng theo cùng một "Motiv",  từ Menü đến màu sắc đặc trưng, bàn tròn có mâm quay hay chữ nhật, ghế đỏ bọc vải, bát đũa và các "Dekoration" như thần tài, sư tử, cầu gỗ rồi đèn lồng...
 
Các công ty cung cấp vật tư để xây dựng nhà hàng Tầu đã có cơ hội vàng để bán ra hàng triệu DM sản phẩm trang bị cho nhà hàng. Nếu chỉ nhẩm tính mỗi thành phố cấp huyện trở nên có từ 3 đến 4 nhà hàng thì người VN trong một thời gian ngắn đã có vài trăm nhà hàng Tầu trên khắp CHDC Đức cũ và mỗi nhà hàng đầu tư tối thiểu 200 ngàn DM thì người VN đã giúp cho các công ty nói trên của người TQ có doanh số cao đến cỡ nào.
 
Lúc mới đầu, "ông chủ" nào cũng cẩn thận, tìm bằng được "đầu bếp Tầu" để khai trương "câu khách" rồi áp dụng chiến lược "thay" đầu bếp bằng cách cho người thân cận của mình "học lỏm" của đầu bếp Tầu để "tự chiến đấu" với tư duy tiết kiệm hơn một nghìn DM tiền lương cho đầu bếp trong khi họ đã bỏ cả hàng trăm ngàn để đầu tư. Đúng là tư duy theo kiểu " tham bát bỏ mâm". Ít người hiểu rằng, đó là một sai lầm mang tính nguyên tắc dẫn đến sự phá sản sau này.
 
Người Trung Quốc đã nhân cơ hội này "sản xuất" hàng loạt đầu bếp Tầu để đáp ứng nhu cầu "phát triển vũ bão" của "Chinarestaurant" do người LĐVN làm "chủ". Tuy đào tạo vội, các "đầu bếp Tầu" này ít nhiều họ đều có từ trong máu truyền thống ẩm thực của họ và họ còn được  truyền bá kiến thức cơ bản về ẩm thực tầu do những đầu bếp có thực tế và kinh nghiệm truyền bá. Họ chắc chắn cũng được truyền bá kinh nghiệm "bảo vệ Knowhow" nên họ rất tự tin khi hành nghề và dễ dãi trong việc chấp nhận "sa thải" của các ông chủ VN vì họ biết, bỏ chỗ này họ sẽ có chỗ mới sắp mở sẽ nhận họ ngay. Họ cũng thừa biết, các "đồng nghiệp VN" đang ngày đêm theo dõi để "phát hiện" bí mật nghề nghiệp của họ. Họ sẵn sàng "sơ hở" chút ít để "đồng nghiệp VN" tin rằng đã nắm được bí quyết của họ, đến lúc đó các ông chủ VN đã tự tin "sa thải" đầu bếp người Tầu. Việc bắt chước nhau sử dụng đầu bếp "học lỏm" là người Việt Nam của các "ông chủ"  là sự "Anfang vom Ende" của các nhà hàng "Chinarestaurant" của người Việt nam.
 
Ngoài vấn đề đầu bếp, quan niệm của các ông chủ VN về bồi bàn cũng hết sức sai lầm. Nhìn chung họ đều chọn người VN "làm bồi" cho rẻ và dễ điều khiển. Dù các cô bồi bàn người Việt có ngoại hình dễ nhìn và rất "Zierlich", với mái tóc đen dài hấp dẫn và luôn có nụ cười trên môi,  nhưng "bồi bàn" người Việt có nhược điểm là tiếng Đức yếu, không có khả năng để hiểu ngay được các nhu cầu mong muốn tinh tế của khách hàng, không đủ khả năng để giới thiệu và quảng bá sản phẩm của nhà hàng, không được đào tạo nên họ không biết các qui định đơn giản nhất của bồi bàn là đưa thức ăn cho khách ở bên phải hay bên trái.
 
Mái tóc dài rất đẹp luôn để xõa tự nhiên, nhiều khi nó xõa phủ cả vào đĩa thức ăn khi vô tình cúi xuống đặt đĩa thức ăn cho khách. Những sự cố thiếu kiến thức này đã gây lên sự khó chịu cho khách và đó là những nguyên nhân "một đi không trở lại"của khách hàng. Là ông chủ nhưng đa phần người VN và tất nhiên cả  nhân viên phục vụ không biết được rằng "Gastronomie" là một lãnh vực vô cùng nhạy cảm.  Đối với người Đức, những bữa đi ăn ở nhà hàng của các dân tộc khác là những khoảnh khắc để tìm hiểu văn hóa lạ và dịp hưởng thụ đặc biệt nên họ có những  đòi hỏi và tiêu chuẩn rất khắt khe. Họ cần được cư xử và phục vụ đúng như những "thượng đế" thật sự. Chỉ một vi phạm nhỏ như mất vệ sinh, thiếu lịch sự, những sai phạm nhỏ mang tính kỹ thuật là có thể bị lan truyền dẫn đế sự xuống dốc khó cưỡng lại cho chủ nhà hàng.
 
Năm 1992 có người VN đã nghe được lời cảnh báo của một người Đức ở miền Tây Đức, ông ta đã từng là chủ tịch Hiệp hội nhà hàng và khách sạn CHLB  Đức, nhận xét:
 
" Với cung cách kinh doanh hiện nay của người VN trong lĩnh vực "Chinarestarant" dù đang "chạy tốt" nó cũng không thể tồn tại lâu dài hơn vài năm nữa. Đây là lĩnh vực hết sức nhạy cảm (sehr empfindlich) mà tất cả người VN làm việc trong lĩnh vực này đều không có "hiểu biết (Ahnung) gì về nó cả. Sau khi cơn khát "Asiatisches Essen" ở CHDC Đức qua đi, sự thiếu chuyên nghiệp của người VN sẽ đưa hầu hết các nhà hàng hiện nay đến phá sản"
 
Dù rất tự ái trước lời tiên đoán phũ phàng này, người nghe cũng phải nhìn nhận ông ta có lý vì ông đã nói đúng một hiện tượng, chỉ ra đúng thiếu sót và ấu trĩ trong việc vận hành Restaurant của người Việt và đặc biệt ông hiểu rất rõ về khách hàng của các "ông chủ" Việt Nam. Vì thế chỉ sau một  vài năm, dần dần sự đóng cửa các nhà hàng Tầu đã khép lại một thời kỳ "vàng son", làm vỡ mộng bao nhiêu gia đình, vì tưởng sẽ hái được tiền một cách đơn giản như vậy. Với cao trào này nhiều người LĐ VN đã phải trả giá khá đắt vì số tiền dành dụm khai thác được lúc giao thời đã "bay theo chiều gió" do sự thử nghiệm mang tính mạo hiểm rất thiếu hiểu biết về lĩnh vực này.
 
Tuy vậy trong số những người gặp thất bại đó, có những con người yêu nghề, có bản lĩnh đã biết rút cho mình những bài học xương máu,  để làm lại một cách bài bản, có sự đi lên từ  nhỏ đến lớn nên có thể nói, cho đến bây giờ, ngành ẩm thực do người Việt Nam kinh doanh ngày càng có vị trí lớn hơn trong bức tranh ẩm thực đa văn hóa của nước Đức.
 
Sau khi rút ra bài học cho mình, bếp Việt ngày càng được người Đức ưa chuộng hơn nên ngày càng nhiều nhà hàng bếp Việt ra đời và hoạt động khá thành công. Không những chỉ bếp Việt người hợp tác lao động Việt  Nam còn kinh doanh khá thành công cả bếp Thái, bếp Nhật và cả bếp Tầu nữa, dù trước đó đã có những thất bại đau đớn. Rõ ràng trong lĩnh vực khó tính và đòi hỏi sự tinh tế có pha chút nghệ thuật  này, những con người không được đào tạo mà chủ yếu là mày mò và rút kinh nghiệm, bằng sự lao động cần cù, những người kinh doanh lĩnh vực này đã tạo ra cho cộng đồng chúng ta một sự tôn trọng cần thiết của nước Đức và bạn bè quốc tế.
 
Có lẽ đây vẫn là nghành kinh doanh có tương lai nhất cho cộng đồng chúng ta, nhất là thế hệ thứ hai thứ ba, nếu các cháu muốn phát triển theo hướng này. Khi đó các cháu cần được đào tạo bài bản về Gastronomie  của nước Đức và học được của gia đình cũng như quê hương những nét đặc sắc của ẩm thực Việt Nam.
 
4. Kinh doanh hoa tươi.
 
Bức tranh doanh nghiệp của người Hợp tác lao động Việt Nam còn sáng lên ở hai ngành kinh doanh khá mạnh khác:
 
Đến khoảng đầu những năm 90, sau khi một số người Việt Nam đã thành công trong việc kinh doanh hoa tươi, một hướng mới đã mở ra cho những người hợp tác lao động. Rõ ràng hoa tươi là một ngạch hoàn toàn xa lạ đối với người Việt Nam trong thời gian này, vì ngay cả trong nước, nhu cầu cắm hoa tươi trong gia đình  và tặng hoa cho nhau trong những dịp liên hoan, lễ hội, do đó ngành kinh doanh hoa tươi  ở VN cũng chưa hình thành và phát triển như hiện nay.
 
Do đó người LĐVN không thể là con „ nhà lòi“  có truyền thống trong lĩnh vực kinh doanh hoa tươi. Nhưng với linh cảm và sự khéo léo, đầu óc quan sát có chọn lọc về thẩm mỹ cùng chăm chỉ cần cù, chỉ thông qua học hỏi trong thực tế và sự giúp đỡ chỉ bảo trực tiếp của bạn bè người quen, dần dần người LĐVN đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này với một tốc độ khá nhanh.
 
Dù không được đào tạo cơ bản về nghệ thuật tạo dáng bó hoa, không biết về nguyên tắc chăm sóc và bảo quản hoa tươi, không có hiểu biết cơ bản về phối màu, phối các loại hoa chính, phụ, các loại lá đi kèm, nhưng người VN đã nhanh chóng đạt đến trình độ được khách hàng người Đức chấp nhận và ủng hộ.
 
Đi lấy hàng thường xuyên, không cất hoa lâu trong kho lạnh của cửa hàng mà chủ trước đã đầu tư, hoa của người VN có ưu điểm giữ được tươi lâu khi mua về cắm ở nhà nên ngày càng được khách hàng Đức tin cậy. Hơn nữa cũng giống như rau và hoa quả tươi, kinh doanh mặt hàng này người kinh doanh không cần có vốn lớn lắm, nhất là lấy hoa thường xuyên nên hiệu quả kinh doanh và lãng phí khi mua hàng có thể điều chỉnh rất nhanh.
 
So với bán rau và quả tươi, việc kinh doanh hoa có ưu điểm là không mất nhiều sức mang vác nhưng thay vào đó nó đòi hỏi người kinh doanh phải chăm chỉ hơn trong việc tỉa tót hoa, thường xuyên loại bỏ những bông hoa cũ trong bó để thay vào đó hoa mới hơn. Mô hình kinh doanh hoa tươi phù hợp với mô hình gia đình cũng như  sự cần cù chăm chỉ dẻo dai  của người VN. Vì thế dần dần thị trường hoa tươi, đặc biệt ở Berlin, đã và đang tiếp tục chuyển sang tay người VN.
 
Trong lĩnh vực này đã có một số người đứng ra kinh doanh bán sỉ nhưng có lẽ do việc qua Hà Lan lấy hoa tươi bằng xe tải có máy lạnh chi phí cao, hơn nữa kiến thức để quyết định nhanh theo hình thức bán đấu giá của chợ Hoa Hà Lan đã hạn chế khả năng thành công của người kinh doanh hoa bán sỉ, số người kinh doanh theo hướng này đã không phát triển thêm mà đang giảm đi.
 
Nhưng hoa tươi bán lẻ là một ngành kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh và năng lực thực tế của người VN,  với khả năng quan sát nhanh nhạy và vận dụng sáng tạo để tạo ra những bó hoa ngày càng đẹp và hấp dẫn hơn nên đã chinh phục khách hàng Đức, dù họ có kiến thức và nhu cầu thẩm mỹ cao hơn hẳn những người VN bán hoa. Người  Hợp tác lao động Việt Nam thế hệ thứ nhất, kinh doanh trong lĩnh vực này lại một lần nữa chứng minh về khả năng thích ứng sáng tạo để chinh phục một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, đòi hỏi không những kiến thức kinh kinh doanh mà còn đòi hỏi cả kiến thức liên quan đến sản phẩm của thiên nhiên  và nghệ thuật thẩm mỹ. Thực tế hiện nay họ đã chiếm lĩnh được một thị phần lớn trong kinh doanh hoa tươi, đặc biệt là ở Berlin.
 
5.  Nails và Nails Studio
 
Những năm đầu của thế kỷ 21, do sự thành công của bà con Việt Kiều tại Mỹ, ngành Nails đã được "xuất khẩu" qua Đức mà đầu tiên là cho bà con đã nhập cư vào tây Đức thông qua các  mối quan hệ thân hữu, họ hàng. Cái thuận lợi của ngạch  kinh doanh  này là nó đã được xây dựng thành một hệ thống khá bài bản và đã định hình từ hóa chất đến dụng cụ bàn ghế và mẫu mã từ bên Mỹ.                                                                                                      
 
Giống như mọi ngành kinh doanh khác, khi người VN nhận thấy hiệu quả, đã bắt chước nhau tham gia ồ ạt. Ngành kinh doanh này cũng có đặc tính hơi giống kinh doanh hoa tươi,  đòi hỏi người tham gia nó phải có sự khéo léo, có cảm nhận tốt về mỹ thuật và cái đẹp. Chỉ sau một thời  gian ngắn, từ vài  người được đào tạo bên Mỹ có nghề, rồi vừa hành nghề vừa đào tạo số lượng người tham gia hành nghề, số lượng này đã tăng theo cấp số nhân.
 
Có thể nói, đây là ngành kinh doanh có qui củ và bài bản nhất của người Việt Nam. Sự chuyên nghiệp được thể hiện trong việc vật tư  sử dụng được sản xuất rất bài bản, được giới thiệu rất chuyên nghiệp trên các Katalog, dụng cụ hành nghề, bàn ghế và công cụ lao động cho người hành nghề đều là những sản phẩm có chất lượng  và sang trọng.
 
Ở các nước Tây Âu láng giềng cũng có nhiều Việt Kiều sinh sống nhưng ở đây nghề Nails không thấy phát triển nhanh và mạnh như ở Đức. Hệ thống bán buôn cũng đã hình thành và đã tạo ra cơ chế cung cấp khá thuận lợi cho lực lượng hành nghề ở mọi miền trên nước Đức. Có lẽ cũng do năng lực khéo léo nhạy cảm và ý chí muốn làm giầu, người Việt Nam đã thể hiện năng lực vượt trội  của mình nên gần như đã "độc quyền" trong lãnh vực này trên nước Đức.
 
6. Lebensmittel (Bách hóa thực phẩm)
 
Ngoài những ngành kinh doanh thu hút nhiều người LD VN trên nước Đức đã đề cập ở trên, nhiều bà con ta còn kinh doanh ở các cửa hàng bán thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày mà tiếng Đức gọi là  "Lebensmittel".  Đây cũng là một ngạch mà người Việt làm rất thành công. Nhiều cửa hàng có qui mô cung cấp hàng hóa cho khu dân cư của một "Kaufhaus" thời CHDC Đức hay Kauf Plus của thời nay. Người Đức có cả một ban quản lý và nhiều nhân viên bán hàng được đào tạo chính qui trong khi người VN chỉ có 1 gia đình chỉ có vợ và chồng cùng một vài người giúp việc theo giờ, làm việc phụ.
 
Họ đã nhảy vào quản lý tay ngang vậy mà vẫn tồn tại và phát triển được, vẫn trở thành Partner đàng hoàng trong các chuỗi cung ứng hàng hóa có tiếng của Đức như Rewe hay Selgros, Metro hay các hãng cung cấp sản phẩm chuyên ngạch như nước uống, thuốc lá, bánh kẹo, sữa các loại...
 
Để làm được như vậy người kinh doanh đã phải làm quen với hệ thống  quản lý và cung ứng hàng hóa của các hãng lớn trên máy tính, bằng tiếng Đức. Họ cũng phải học cách quản lý thời hạn sử dụng của hàng nghìn mặt hàng, biết cách sắp xếp hàng hóa và trang trí hàng sạch đẹp theo khu vực tiện lợi cho khách hàng và cho việc quản lý thời hạn, loại bỏ thay thế khi hết hạn. Rõ ràng ở đây, nó đã thể hiện năng lực lao động và khả năng không ngờ của người VN, họ  đã vượt qua những định ước quản lý thông thường của người Đức.

  Tác giả: Vũ Quốc Nam (Berlin)

II. Một số nhận xét về sự hòa nhập của người LĐ.
 
Nếu quan sát tiếp các mảng kinh doanh, người hợp tác lao động Việt Nam còn tham gia trong các lĩnh vực khác như nhà trọ, khách sạn (dù chưa nhiều), bán báo và tạp chí Đức, Massage, y học dân tộc hay sửa chữa quần áo, môi giới bất động sản, và các loại dịch vụ phục vụ cộng đồng như bán bảo hiểm, làm thuế, đi phiên dịch, dạy lái xe, bán vé máy bay.
 
Dù ở bất cứ ngành kinh doanh nào người lao động Việt Nam đều có một số đặc điểm chung là: Họ đều khởi nghiệp hoàn toàn do tình thế tạo ra hay bắt buộc. Họ đều không được đào tạo theo đúng nghĩa, tức là được học cả lý thuyết và thực hành trong các cơ sở đào tạo chính qui, nhìn chung họ yếu tiếng Đức, không có thời gian tìm hiểu điều kiện kinh doanh, nghiên cứu thị trường và hầu như đều không có tư vấn doanh nghiệp giúp họ hiểu và tự tin cho các bước đi đầu tiên của mình.
 
Bước vào kinh doanh họ đều không có vốn mà chỉ vay mượn lẫn nhau. Họ khởi nghiệp bằng cách quan sát và học hỏi bạn bè. Rất ít người biết tranh thủ sự trợ giúp của nhà nước Đức.
 
Khả năng chịu đựng của họ hình như được hình thành và tôi luyện trong điều kiện trực tiếp hay gián tiếp của chiến tranh. Điều kiện sống thiếu thốn và gian khổ suốt thời thơ ấu và quãng đời khó khăn trước khi qua nước Đức đã cho họ cái cảm giác được xả hơi ngay cả trong điều kiện lao động triền miên trên nước Đức?
 
Điều kiện sống đầy đủ vật chất và điều kiện khí hậu thuận hòa đã làm cho ai cũng cảm thấy dễ chịu nên sự căng thẳng trong lao động liên tục hầu như không làm họ cảm thấy vất vả như cuộc sống đã qua của họ ở quê hương.
 
Cái quan trọng nhất là họ cảm thấy sự cố gắng của họ đã được đền bù,  gia đình họ đã có cuộc sống vật chất đầy đủ, con cái được hưởng một môi trường xã hội và giáo dục y tế ưu việt, có cuộc sống an toàn. Tương lai của con cái nhìn chung là yên tâm. Đa số đã giúp đỡ được ông bà bố mẹ anh chị em ruột thịt của mình. Có nhiều người đã tích lũy được bất động sản ở quê hương.
 
Những người hợp tác lao động là thế hệ đã làm nên những kỳ tích đáng trân trọng trong lịch sử của người Việt Nam trên nước Đức. Họ tuy có những hạn chế nhất định trong quá trình hòa nhập do điều kiện bắt buộc nhưng bằng ý thức nghiêm túc của lớp người đã trải qua chiến tranh gian khổ, chịu đựng hy sinh mất mát và thiếu thốn của thời chiến họ đã lao động thật sự trong cả giai đoạn Hợp tác lao động thời CHDC Đức cũng như quá trình bươn chải để giành quyền ở lại và tồn tại, phát triển trên nước Đức xa lạ cả về văn hóa, lối sống và sự chênh lệch về tầm hiểu biết, mức độ phát triển.
 
Thật đáng khâm phục khi ra đi họ chỉ là những cán bộ, những người lính, những công nhân xí nghiệp và rất nhiều học sinh mới rời nghế nhà trường, họ chưa hề biết đến kinh doanh, không có chút kiến thức gì về thị trường và thiếu mọi điều kiện cần thiết để đi vào kinh doanh trong một xã hội đã phát triển. Chỉ trong vòng hơn hai chục năm, người LĐVN đã khẳng định được mình trong thị trường bán lẻ khá phong phú trong các lãnh vực mà người viết đã đề cập ở trên.
 
Do hạn chế nhiều mặt, đặc biệt là tiếng Đức nên việc người Việt chưa đạt được phong cách  làm ăn qui củ bài bản, đa số chưa vượt qua được qui mô gia đình, nên việc mong  muốn hay đòi hỏi  người kinh doanh Việt phải phát triển vươn tới có qui mô cao hơn, chuyên nghiệp hơn để hình thành các tập đoàn làm ăn lớn là mơ mộng  phi thực tế.
 
Cho đến nay, trong các doanh nghiệp VN có nhiều doanh nghiệp đã phát triển thành những hãng kinh doanh ngày càng lớn mạnh. Họ có nhiều điểm bán lẻ nằm rải rác nhiều nơi trên nước Đức, họ cũng đang mò mẫm để tìm cách quản lý kinh doanh, quản lý người làm, cố gắng tạo ra lợi nhuận chủ yếu dựa trên cảm nhận, mò mẫm.
 
Cách làm này không có trong các nước đã phát triển vì ở đây việc kinh doanh muốn được triển khai nó đã được các ông chủ hay các tập đoàn đã hoạch định và có nghiên cứu chuẩn bị trước. Việc các doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được doanh nghiệp của mình vượt qua hình thức kinh doanh gia đình là một sự phát triển đáng trân trọng. Chỉ những con người có bản lĩnh, có linh cảm tốt, và mạo hiểm mới dám phát triển kinh doanh vượt quá các điều kiện mà mình đang có.
 
Với sự hòa nhập tích cực trong điều kiện hoàn cảnh của mình họ đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho người dân CHLB Đức. Hình ảnh các gia đình Việt Nam miệt mài kinh doanh để tự tồn tại cũng như quan điểm giáo dục tạo ra cho con cháu đạt một kỳ tích về thành tích học tập trong trường phổ thông đã đưa vị trí của người Việt Nam ở Đức trở thành những người nhập cư được xã hội Đức đánh giá là hòa nhập tốt nhất.

Đôi lời về Hội DNVN tại CHLB Đức.
 
Hội doanh nghiệp Việt Nam tại CHLB Đức đã ra đời hàng chục năm nay, tập hợp được những đại gia thành đạt của cộng đồng, họ cũng đã có nhiều tâm huyết, đã góp tiền cho Hội hàng trăm ngàn Euro, đã có nhiều hoạt động bề nổi để gây thanh thế và xây dựng quan hệ giữa Hội và hai nhà nước. Nhưng cho đến nay, Hội cũng chưa tiến hành được nhiều các hoạt động thiết thực để giúp đỡ và hướng dẫn bà con đa phần là doanh nghiệp bán lẻ.
 
Hội Doanh nghiêp mới chỉ có các hội  viên là các doanh nhân thành đạt mà chủ yếu tập trung ở Berlin, còn các tổ chức chân rết đi sâu vào các ngạch kinh doanh chính của cộng đồng hầu như chưa triển khai, rất ít hội viên của Hội DN VN là những doanh nghiệp bán lẻ rải rác khắp CHLB Đức tham gia, vì hình như họ không được vận động và tạo điều kiện để tham gia. Cũng có thể các doanh nhiệp bán lẻ cho rằng HDNVN ở CHLB Đức chỉ dành cho các Đại gia, nếu như vậy thì cái tên đang có của hội doanh nghiệp hiện nay đã phản ánh đúng nội dung của nó chưa?
 
Trong khi đó lực lượng doanh nghiệp bán lẻ của người Việt Nam rất cần được tập hợp hướng dẫn về kiến thức thị trường, kiến thức về thuế, các loại bảo hiểm, các điều kiện để lập phương án phát triển kinh doanh trên cơ sở được hỗ trợ vốn và phân tích thị trường. Họ luôn mong muốn được tập hợp bởi những Hội đoàn của họ, có trách nhiệm giúp đỡ và hợp tác để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
 
Những khó khăn của người HTLĐ Việt Nam.
 
Tuy kết quả đạt được trong điều kiện của mình là đáng kính nể, đáng tự hào, các doanh nhân là người HTLĐ cũng gặp khá nhiều bất cập và phải trả giá cho hoàn cảnh, cho sự thiếu hiểu biết và kiến thức về nước Đức và do điều kiện cho cư trú theo kiểu nhỏ giọt của nước Đức.
 
Cái giá đầu tiên họ phải trả là rào cản ngôn ngữ giữa cha mẹ và con cái. Do không biết có được định cư hay không nên đa số người LĐ đã xác định việc học tiếng Đức cho thời hạn 2 năm là sự lãng phí về thời gian, trong khi họ phải bươn chải ngay lập tức để tự nuôi mình và gia đình nên cũng không có điều kiện và thời gian để học. Do quá bận rộn vào công việc kinh doanh, phần lớn cha mẹ VN đã sao nhãng việc dành thời gian để sinh hoạt và trao đổi cùng con cái và duy trì vốn tiếng Việt cho con.
 
Với thời gian, các cháu càng lớn vốn tiếng Đức hàng ngày ở trường học càng choán chỗ cho vốn tiếng Việt ít ỏi mà các cháu đã học được ở cha mẹ lúc còn nhỏ. Kiến thức tiếng Việt của các cháu cho đến lúc đó mới đủ để trao đổi thông thường với cha mẹ. Đến khi nhận thức được mối nguy cơ này, hầu hết các bậc cha mẹ đã bất lực trong việc giúp các cháu học lại tiếng Việt. Các lớp học tiếng Việt do các hội đoàn người Việt tổ chức chỉ có một ngày cuối tuần không đủ kiến thức cho các cháu có thể nói các vấn đề sâu hơn.
 
Ngoài ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa, lối sống, ẩm thực và khoảng cách thế hệ cũng đóng  một vai trò không nhỏ cho sự  khác biệt giữa cha mẹ và con cái. Cảm giác mất con và việc con cái không hiểu mình là niềm bất hạnh lớn nhất đối với những người  đã có sự hy sinh và cố gắng tới mức cao nhất cho con. Đó là điều dễ hiểu.
 
Nếu quan sát và độ lượng hơn, chúng ta cần nhìn nhận đó là qui luật của sự phát triển thế hệ. Con cái người Việt sinh ra và và lớn lên trong xã hội Đức. Tính cách Đức đã tạo ra sản phẩm với chất lượng nổi tiếng thế giới, làm nên tinh thần tự tin, không nao núng trong mọi tình huống.  Hy vọng con cháu chúng ta sẽ hấp thụ được cái bản chất quí báu đó và sẽ trở thành  những con người nhân bản hơn, có hiểu  biết cao hơn chúng ta và quan trọng chúng sẽ sống có ích cho cộng đồng.
 
Khi trưởng  thành  chắc chắn các cháu sẽ hiểu được sự hy sinh và cố gắng của cha mẹ cho tương lai của chúng và chắc chắn đến lúc đó sự gắn bó với cha mẹ và đất nước sẽ lại được cải thiện.  Đừng trách các cháu và cũng đừng thất vọng về mình! Hãy độ lượng và chấp nhận sự khác biệt và tiếp tục gắn kết tình cảm với các cháu. Các cháu vẫn là người Việt Nam, nhưng là người Việt Nam có tính cách của những con người có hai Tổ Quốc.
 
Cái giá thứ hai mà người LĐVN phải trả là sự xuống sức khá rõ ràng của nhiều người sau một thời gian dài lao động căng thẳng không nghỉ ngơi. Nhiều người do chủ quan và tham công tiếc việc nên đã không đi khám bệnh và kiểm tra sức khỏe. Khi không gượng được nữa thì mọi cố gắng sau đó của gia đình và thày thuốc đều đã quá muộn. Nhiều người đã phải ra đi về cõi vĩnh hằng khi tuổi đời còn rất trẻ, dù được sống ở một đất nước có hệ  thống y tế thuộc loại tân tiến hiện đại  nhất nhì thế giới, có đội ngũ y bác sĩ làm việc rất có trách nhiệm và nhân bản và hệ thống bảo hiểm y tế đảm bảo cho mọi công dân được chữa bệnh với điều kiện đầy đủ nhất.
 
Vấn đề cần đặt ra là các hội đoàn và bà con ta cần giải thích và trao đổi giúp đỡ nhau sao cho mỗi người hãy tận dụng mọi điều kiện ưu việt của xã hội Đức để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Phải tâm niệm, coi sức khỏe là tài sản quí giá nhất của mỗi người và mỗi gia đình để từ đó định hướng và xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, hài hòa, có thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ các điều kiện mà mình và gia đình đã phấn đấu.
 
Cái bất cập thứ ba có hậu quả đáng lo ngại cho cả thế hệ thứ nhất là vấn đề hưu trí và tuổi già. Do phần lớn người LĐVN tự kinh doanh không phải đóng bảo hiểm hưu trí bắt buộc và do không có nhận thúc đúng về lương hưu trí nên phần lớn người VN đã không đóng bảo hiểm hưu trí. Chỉ còn khoảng ít năm nữa thôi, lớp người đầu tiên của HTLĐ sẽ bước vào tuổi hưu trí. Do thời gian đi làm không nhiều, lại không đóng bảo hiểm hưu trí khi đang kinh doanh, người LĐVN về cơ bản sẽ chỉ nhận được lương hưu tối thiểu dưới dạng trợ cấp.
 
Nếu người về hưu là người nước ngoài mà không có mặt ở nước Đức quá 6 tháng trong một năm và bị phát hiện thì sẽ bị cắt hết hưu trí, do đó nếu muốn sống ở Việt Nam nhiều hơn sáu tháng thì việc xin nhập quốc tịch Đức là một giải pháp để có tuổi già phù hợp với nhu cầu tình cảm của nhiều người, vì là người Đức thì nghỉ hưu ở đâu cũng được kể cả khi nhận lương hưu tối thiểu.
 
Còn nếu chỉ ỷ vào số tiền mình giành dụm được để hưởng tuổi già trên nước Đức thì cần phải xem xét lại. Ví dụ một ngưởi tích lũy được khoảng 400.000 € cho tuổi già mà không đóng bảo hiểm hưu trí. Nếu hai vợ chồng sống thêm được 20 năm nữa, tức là mỗi năm có 20.000 € để sinh sống cho quãng đời còn lại. Với số tiền như vậy, đôi vợ chồng già đó sẽ không được lương hưu tối thiểu nữa mà phải sống bằng tiền mình đã dành dụm được. Tức là ngay cả trong trường hợp tưởng là nhiều tiền đó, bạn cũng sẽ túng thiếu vì phải trang trải toàn bộ, từ tiền nhà, tiền bảo hiểm y tế.
 
Người VN khi về già ở nước Đức không thể trông chờ vào con cái. Các cháu có tư duy và văn hóa về cuộc sống khác với các thế hệ bố mẹ. Các cháu cho rằng, mọi thế hệ phải dựa vào qui chế và hệ thống bảo hiểm hưu trí của xã hội để tự lo hưu trí cho chính mình và sẽ không thể hiểu được tại sao cha mẹ mình lại chủ quan và thiếu trách nhiệm với chính mình như vậy? Nếu không biết xử lý và hóa giải, điều này sẽ trở thành bi kịch cho rất nhiều người trong thế hệ đầu tiên của người VN trên nước Đức.
 
Thay vào đó các cháu ở bên này, ngay từ khi mới rời ghế trường phổ thông, bắt đầu trưởng thành đã có tư duy tự kiếm tiền để lo cho cuộc sống của mình, không muốn bố mẹ phải lo cho mình. Rõ ràng đó là sự sòng phẳng của văn hóa Đức.
 
Người VN ở đây cần nhìn nhận và coi đó là một thực tế mang tính nghiêm túc. Khi đã chấp nhận và vô tư hơn trên tinh thần cầu thị, thì thực tế đó lại là cơ sở mang tính nhân bản giúp cho các bậc cha mẹ Việt Nam xác định lại vị thế của mình để định hướng lẽ sống mới và lên chương trình hành động trước khi chưa muộn. Tức là chúng ta hãy lo tổ chức cuộc sống kinh doanh của mình theo hướng hài hòa giữa lao động và nghỉ ngơi. Chủ động chuẩn bị tích lũy cho chính mình, chứ không phải chỉ cho con cái mình như từ trước đến nay chúng ta vẫn nghĩ.
 
Thực tế cuộc sống đã có những biến đổi về chất và quan điểm sống. Con cháu chúng ta được hưởng cơ chế xã hội  nghiêm túc để có thể tự tạo một cuộc sống hạnh phúc theo chuẩn mực, nên chúng ta hãy tôn trọng qui luật Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, coi đó là một tiêu chí hay để chủ động chuẩn bị các điều kiện và nguồn lợicó thể khai thác được nhằm đảm bảo cho mình được an nhàn lúc tuồi già trên đất khách quê người.
 
Còn vấn đề thứ tư tuy không mang tính "sống còn" nhưng lại có ý nghĩa về văn hóa truyền thống " nước mắt chảy xuôi" của người Việt. Đó là lo cho con cái.
 
Đối với các thế  hệ thứ hai và thứ ba, chúng ta thật sự vui mừng vì chúng có điều kiện rất thuận lợi để phát huy được năng lực học tập. Chúng ta hiểu rất rõ, ngoài thành tích học tập và tính cách Đức, các cháu thuộc thế hệ thứ hai thứ ba còn sống khá thụ động, bị xã hội điện tử chi phối lớn, sống với môi trường ảo là chủ yếu nên rất ít tham gia các sinh hoạt xã hội và tương đối ít quan tâm về các vấn đề thời sự và kiến thức xã hội và chính trị đặc biệt là về Việt Nam. Các hội đoàn cần nhìn nhận là phải cùng gia đình có trách nhiệm giúp các cháu hoàn thiện bổ sung sự thiếu hụt này. Vận động và động viên các cháu tham gia các hoạt động thực tế, thoát dần khỏi xã hội điện tử ảo để đi vào cuộc sống xã hội thực, chỉ có như vậy các cháu mới có cơ hội hòa nhập vào thị trường lao động cao sau khi ra trường. Điều đó là mục tiêu xuyên suốt của cả cộng đồng chúng ta trong quá trình định cư và hòa nhập vào nước Đức, Tổ quốc thư hai của chúng ta.

Vũ Quốc Nam (Berlin)

(HẾT)

Go to top