(bvd-vn.de) Hướng tới kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và CHLB Đức (1975 – 2015), BBT xin lần lượt giới thiệu tới độc giả bvd-vn.de một số phóng sự viết về lực lượng lao động Việt Nam, những người có mặt tại Đức từ trước khi bức tường ngăn cách 2 miền Đông và Tây Berlin sụp đổ. Họ đến Đức bằng nhiều con đường: Du học sinh, Học nghề, Hợp tác lao động  hay đơn giản chỉ là đoàn tụ nhân đạo…những con người như những tác nhân không thể thiếu giúp việc gắn kết, phát triển mối quan hệ giữa hai nhà nước ngày càng bền vững. Tài liệu do tác giả Nguyễn Thế Tuyền (Berlin) dịch thuật. Ở cuối bài viết, trong bản PDF đính kèm được biên soạn bằng hai ngôn ngữ Đức – Việt. Đây là cách tác giả muốn giúp các bạn đang học tiếng Đức có điều kiện tự  kiểm tra khả năng ngoại ngữ của mình trong hành trình hội nhập…

Những người công nhân hợp tác lao động Việt Nam xuất hiện phần lớn theo từng nhóm. Họ luôn vui vẻ, pha chút ngượng ngùng, cố gắng không để cho người khác chú ý. Nhưng chính  điều đó lại rất nổi ở một đất nước ít cái lạ như CHDC Đức, và vì thế  những „Người lao động Việt Nam“ được chào đón rất nồng hậu. Trong tình trạng kinh tế đang mệt mỏi, giới lãnh đạo đảng của CHDC Đức hứa thực hiện một chiến lược có hiệu ứng tương tự như ở CHLB Đức đầu những năm 50, với kỳ tích kinh tế mà trong đó thợ khách từ Ý và Thổ Nhĩ Kỳ  đóng một vai trò đáng kể.

Từ cuối những năm 1970, CHDC Đức phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động. Họ mời những người trẻ tuổi đến từ Mosambik, Angola, Kuba, Ba Lan và Việt Nam sang CHDC Đức học để trở thành công nhân lành nghề, rồi sau đó trở thành lực lượng lao động bán sức lao động với giá rẻ cho nền kinh tế kế hoạch đã kiệt sức.

Một số lượng lớn người Việt trẻ tuổi đã nghe theo tiếng gọi này. Từ một đất nước Việt Nam bị tàn phá nặng nề, ai mà được gọi đi học và sau đó có việc làm ở CHDC Đức thì rất tuyệt vời, một đặc ân.

Những người Việt trẻ tuổi này thường là những nhân vật chính nuôi cả  một gia đình lớn ở quê hương. Ở Việt Nam hồi đó thiếu đủ thứ, được một suất đi học đại học hay học nghề là một điều hiếm hoi. Nước họ phải trả nợ, kể cả trả cho CHDC Đức  đã giúp miền Bắc Việt Nam rất nhiều tiền của trong cuộc chiến chống Mỹ.

Đến năm 1989, người Việt Nam là nhóm người lớn nhất ở CHDC Đức so với các nhóm công nhân hợp tác khác. Chủ yếu họ làm việc trong ngành công nghiệp nhẹ. Thời kỳ cuối, số lượng  lên tới 60 000 người. Con số này vượt quá kế hoạch mà chính phủ CHDC Đức dự kiến lúc ban đầu. Dần dần lực lượng lao động làm việc không cần có chứng chỉ học nghề, còn tiếng Đức chỉ được dạy trong những khóa cấp tốc. Là lực lượng lao động chăm chỉ và đáng tin, công nhân hợp tác lao động Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động không thể bỏ qua.

Số lượng nhân lực lao động Việt Nam tăng lên kéo theo những vấn đề phức tạp, nhưng không được công khai. Trong Hiệp định chính phủ giữa CHDC Đức và Việt Nam có quy định rõ là họ được ở trong các ký túc xá với những phòng ở diện tích bao nhiêu, bao nhiêu giường trong đó và đồ trang bị trong đó là những thứ gì. Nhưng những người chịu trách nhiệm của các xí nghiệp cảm thấy quá sức mình trong việc bố trí phòng ở cho công nhân.

Trong thời gian làm việc, công nhân hợp tác được chăm lo chu đáo về tất cả các mặt. Phiên dịch, có người phụ trách chăm sóc và đội ngũ bảo vệ đảm bảo định mức lao động và nghiêm chỉnh thực hiện giờ làm việc. Việc đồng nghiệp Việt Nam làm quen với không khí sản xuất ở ca của mình như thế nào là chủ đề trong các bài trên báo và TV, rất lạc quan không có bình luận chê trách. Nhưng thực tế thì hoàn toàn khác.

Trong cuộc sống riêng, việc quan hệ với công dân CHDC Đức không được khuyến khích. Các mối liên hệ này khó khăn hơn nhiều do việc bố trí ký túc xá ở những nơi riêng, có gác cổng và quy định ngặt nghèo về thời gian thăm nhau. Nếu một phụ nữ Việt dù bị cấm mà vẫn có bầu thì hoặc phải đi nạo, hoặc phải về nước. Việc trợ giúp hội nhập ở một đất nước không phải quê hương mình, ví dụ như ngôn ngữ và văn hóa, giới thiệu các phong tục tập quán, chính thức không được đặt ra. Những tối sinh hoạt bắt buộc trong phân xưởng sản xuất hay những dịp hội mà xí nghiệp tổ chức không phải là những thay thế thực sự cho yêu cầu nói trên.
              
Trong thời hạn thường là 5 năm ở CHDC Đức của những người hợp tác lao động Việt Nam, lý do duy nhất của họ là làm việc và kiếm tiền để giúp gia đình họ ở nhà. Họ phát hiện ra một trong những khe hở trong việc cung cấp nhu yếu phẩm cho dân Đức ở lĩnh vực bán lẻ. Là những người thợ may khéo tay, họ may đồ Jeans đang rất mốt và thịnh hành. Việc làm ăn không hợp pháp này lại tiến triển tốt. Và như vậy nó chính là mối quan hệ duy nhất giữa Công dân CHDC Đức và Công nhân hợp tác Việt Nam. Cả hai bên đều rất hài lòng và lực lượng anh ninh quốc gia biết hết đến từng chi tiết nhỏ của việc thương mại không hợp pháp này nhưng cho qua, chừng nào việc hoàn thành kế hoạch ở xí nghiệp không bị ảnh hưởng xấu.

An ninh quốc gia cũng thường xuyên theo dõi và báo cáo hiện tượng thù địch người nước ngoài ngày càng gia tăng. Điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với hình ảnh con người thường xuyên được nhà nước Công – Nông tuyên truyền không mệt mỏi trên các phương tiện truyền thông. Về đối ngoại, không thể có chuyện thù địch với người nước ngoài; nhưng không chính thức thì việc ghen tị và tức tối cũng bị theo dõi, những việc này chuyển sang thù hận và đe dọa. Lý do chính là do việc mua hàng của người Việt trong hoàn cảnh ở CHDC Đức đang rất thiếu hàng.
Điều này không thấy chính thức có trong nguyên văn bản Hiệp định chính phủ giữa CHDC Đức và Việt Nam, việc quy định cụ thể  được mua hàng thế nào cũng không thấy công bố.
Công nhân hợp tác Việt Nam sau khi hết hạn được phép mang về hai xe máy và năm xe đạp miễn thuế, đó là những „đồ xa xỉ“ rất được ưa chuộng trên quê hương họ.
Ngoài ra còn được phép mang thêm hai máy khâu, 150 mét vải và 100 kg đường. Giá trị tài sản  của họ trong thời gian ở đây được đóng thùng, nhưng thể tích không được quá 2 m3 và khối lượng không được quá một tấn. Khi trở về, mỗi người chỉ được phép đóng một thùng gỗ chứa hàng phù hợp với quy định. Ngoài ra hàng tháng họ được phép gửi một thùng hàng về Việt Nam.

Tháng 9 năm 1989 ngành an ninh quốc gia của CHDC Đức phải lúng túng thừa nhận rằng, „Người lao động Việt Nam càng ngày càng tỏ ra tự tin hơn để làm những điều vì quyền lợi của họ“.

Nói chung vấn đề cũng dễ nhận ra và yêu cầu cũng được nêu trong một báo cáo. „Những tác động xấu cho nhân dân CHDC Đức, đặc biệt do bị mua hàng có mục đích, cần phải được hạn chế thông qua việc tăng sản xuất các sản phẩm tiêu dùng công nghiệp“. Đó là một kế hoạch mà một nền kinh tế mệt mỏi không thể đáp ứng được, từ nhiều tháng nay người lao động đã quay lưng lại với nó.

Không bao lâu sau, bức tường sụp đổ. Hiệp định chính phủ không còn giá trị nữa, nền kinh tế của CHDC Đức sụp đổ, hàng nghìn người Việt đứng trước cảnh bị thải hồi. Đất nước này đã đổi thay, những „Người bạn“ trước kia bỗng nhiên trở thành người xa lạ và là đối thủ cạnh tranh. „Tình hữu nghị giữa các dân tộc“ và „Tình đoàn kết“ trở thành sáo ngữ, hành động thù ghét người nước ngoài vốn đã tiềm ẩn từ lâu bây giờ có dịp bùng phát.
                                                 
(Tài liệu học chính trị của bang Brandenburg)

Người dịch:  Nguyễn Thế Tuyền 
 

>>Xem bản PDF tại đây

Go to top