Hội Xuân „Mùa Xuân Và Quê Hương“ tại Erfurt (CHLB Đức)

Một sáng cuối tuần giáp Tết Ất Mùi, tôi đang nhâm nhi tách cà phê trong lúc đọc mục "Điểm tin thế giới" trên trang báo điện tử của Liên hiệp (bvd-vn.de), thì nhận được Email của ông bạn già từ Việt Nam. Chúng tôi là bạn cùng quê, học hết cấp III phổ thông, tôi vào đại học, còn ông bạn nhập ngũ và trở thành nhà văn quân đội, mỗi lần hội ngộ bạn bè xưa, lại được nghe ông nói chuyện thơ văn. Tửu lượng của tôi được bạn bè xếp vào loại "thấp", vậy mà lần nào nghe ông nói chuyện, tôi cũng cố gắng "dzô" vài ly, để có được cái cảm giác thú vị lâng lâng lúc thưởng thức thơ. 

Là một nhà văn, nhưng mỗi khi thư từ, trò chuyện với bạn cùng quê, ông vẫn rất "quê". Ông viết trong Email: "thể theo yêu cầu chính đáng của mi, muốn làm cho cảnh đón Tết xa quê của bà con bên đó thêm chút ... Xuân, tau đã chọn được một bài thơ Xuân rất đặc biệt để giới thiệu. Mừng quá, tôi chép bài thơ „Đặc biệt“ xin giới thiệu cùng bà con.

Cũng thật may, có hai bạn trẻ yêu thơ và rất sành thơ là HNP và TP, khi biết ý định của tôi, đã hưởng ứng nhiệt tình và cung cấp thêm những thông tin rất lý thú và giá trị về bài thơ. Vậy xin mời bà con cùng thưởng thức.
 
Xưa nay thơ là giai điệu đặc biệt ru hồn, khiến ai đó có thể mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. Có những bài thơ độc đáo vượt thời gian đi cùng năm tháng, không chỉ vì hình thức đẹp, nội dung hay mà còn vì tính cách độc đáo của bài thơ. Trong số những bài thơ độc đáo này phải kể đến bài “Mến Cảnh Xuân” của Hàn Mặc Từ. Bài thơ làm theo thể Đường Luật bảy chữ tám câu, luật trắc vần bằng, tổng cộng 56 chữ, đọc ngược hay đọc xuôi đều có nghĩa, và đúng niêm luật của Đường Thi, được gọi là “Thuận Nghịch Độc.” Hai chữ “Thuận” và “Nghịch” thật dễ hiểu, chỉ chữ “Độc” là khó hiểu. Người ta không hiểu “độc” này là “độc dược, độc đáo,” hay “độc nhất.”
 
Quả thật, chữ “Độc” trong Hán Văn có nhiều nghĩa, nhưng chữ  “Độc” trong Thuận Nghịch Độc có nghĩa là “đọc” [
Độc =, 22 nét].
 
Hiểu chữ Độc có nghĩa là Đọc, sẽ không thấy xa lạ khi “người đọc” lại được gọi là “độc giả” [
讀者]
Thuận Nghịch Độc hay còn được gọi là Hồi Văn, một bài thơ có thể đọc xuôi bình thường từ câu đầu đến câu cuối. Nhưng cũng với bài thơ này, nếu đọc ngược từ chữ cuối của câu cuối cùng, và chấm dứt với chữ đầu tiên của bài thơ vẫn đúng niêm luật, vần điệu và có ý nghĩa. Theo Học Giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) trong Nam Thi Hợp Tuyển, Thuận Nghịch Độc tuy làm theo thể thơ có từ đời nhà Đường, nhưng lại là cách sáng tạo riêng của thơ Việt Nam.
 
Đã hiểu thế nào là Thuận Nghịch Độc, khi đọc “Mến Cảnh Xuân,” độc giả sẽ khâm phục tài làm thơ danh bất hư truyền của Hàn Mặc Tử.

1. “Mến Cảnh Xuân,” Bài Đường Thi bảy chữ tám câu của Hàn Mặc Tử.
 
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời,
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi,
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc,
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi.
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người.
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng,
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.
 
2. Đọc ngược bài thơ “Mến Cảnh Xuân,” sẽ có bài thơ Đường Luật “Mến Cảnh Xuân” thứ hai.
 
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

 
3. Bỏ 2 chữ đầu trong mỗi câu của bài thơ gốc “Mến Cảnh Xuân,” sẽ thành bài thơ ngũ ngôn bát cú (= năm chữ tám câu) tả “Cảnh Xuân.”

Cảnh xuân ánh sáng ngời,
Thơ rượu chén đầy vơi,
Giậu trúc cành xanh biếc,
Hương xuân sắc thắm tươi.
Khách chờ sông lặng sóng,
Thuyền đợi bến đông người.
Tiếng hát đàn trầm bổng,
Bóng ai mắt mỉm cười.

4. Bỏ  hai chữ cuối trong mỗi câu của bài thơ gốc“Mến Cảnh Xuân.” Đọc ngược từ câu dưới lên, sẽ thành bài “Ánh Xuân” ngũ ngôn bát cú.

Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
 
5. Bỏ ba chữ cuối trong bài thơ gốc“Mến Cảnh Xuân,” sẽ thành bài “Mến Cảnh Xuân” tám câu, mỗi câu bốn chữ.

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai

6. Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài thơ gốc “Mến Cảnh Xuân.” Đọc ngược từ dưới lên, sẽ thành bài “Ánh Xuân” tám câu bốn chữ:

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.

7. Bỏ bốn chữ đầu của mỗi câu trong bài  thơ gốc “Mến Cảnh Xuân,” sẽ thành bài thơ tám câu ba chữ “Ngời Ánh Sáng.”

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.

8. Bỏ bốn chữ cuối của mỗi câu trong bài  thơ gốc “Mến Cảnh Xuân,”  đọc ngược từ dưới lên, sẽ thành bài thơ tám câu ba chữ “Cảnh Mến Ta.”
 
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.

Lời quê góp nhặt dông dài - để một lần nữa bái phục thi tài của Hàn Mặc Tử, và thêm hương thơ trong những ngày đầu xuân.
 
NVT



 
 
 
Go to top