Nghệ sĩ Bích Nga trong chương trình Nhạc hội đàn Bầu 2014 tại Học viện ANQG Việt Nam- Hà Nội

Ít có một dân tộc nào mà cứ mỗi độ tết đến xuân về ai ai cũng hướng về các chiến sĩ nơi đảo xa, nơi biên cương của tổ quốc và kiều bào Việt Nam ở xa tổ quốc. NH ĐB xin phép quý vị tiếp tục hòa nhịp cùng không khí đó để nói lên cảm xúc về những nghệ sĩ xa quê hương đang góp phần nhỏ bé của mình phát triển, quảng bá Âm nhạc truyền thống và văn hóa Việt Nam tại Hải ngoại.

Trong chương trình biểu diễn tại Nhạc Hội Đàn Bầu tổ chức lần thứ nhất tháng 12/2014, khán giả được xem và nghe tiếng đàn bầu của một người nghệ sĩ rất trong trẻo, mượt mà, sâu lắng mà chuẩn mực đến kỳ lạ, hòa quyện cùng năm cô gái thướt tha tà áo dài với năm cây Đàn Bầu mở màn “ Tiếng Đàn Bầu” làm nức lòng khán giả, ít ai biết rằng người nghệ sĩ về từ CHLB Đức- nghệ sĩ Nguyễn Bích Nga, cựu Sinh viên Nhạc Viện Hà Nội và nghệ sĩ của đoàn Ca Múa Hà Nội. Không dừng lại ở đó, khán giả lại bất ngờ khi tiết mục độc tấu bản Serenade của Schubert được chị chuyển soạn và biểu diễn thực sự mới bộc lộ nội tâm, sự chuẩn chu, hiện đại trong tiếng đàn, trong con người chị.
 
Nghệ sĩ Bích Nga lớn lên  trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Bố là nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn. Cái tên Bích Nga cũng gắn liền với kỷ niệm của người bố với nước Nga, ngày Bích Nga ra đời cũng là ngày bố được cử sang Nga học sáng tác âm nhạc. Đầu thập niên 1970 chị trúng tuyển vào học Piano tại trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện ANQGVN, thế rồi cơ duyên “làm thân con gái chớ ...đàn bầu” đã lôi kéo hay sao mà bố chị chuyển chị sang học đàn Bầu liên tục 12 Năm từ sơ cấp (1970) đến tốt nghiệp khóa đại học đàn bầu chính quy khóa đầu tiên (1982) của trường Âm nhạc Việt Nam. Ra trường, chị trở thành nghệ sĩ đàn bầu của đoàn Ca Múa Hà Nội. Gắn bó với đoàn gần mười năm, chị đã cùng đoàn mang tiếng đàn Bầu Việt Nam đi biểu diễn nhiều nước châu Âu, châu Á. Cho đến năm 1989 chị theo chồng sang định cư tại Đức.
 
Nhiều năm trở lại đây khi cuộc sống cũng đã ổn định, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật , đặc biệt là văn hóa truyền thống, món ăn tinh thần của bà con Việt Kiều không thể thiếu, vì thế mà chị đã tham gia và đứng ra tổ chức rất nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ bà con, đặc biệt là những ngày lễ lớn của dân tộc. Là người được đào tạo chuyên nghiệp bài bản nên chị luôn được bà con Việt Kiều tín nhiệm trao trọng trách đứng ra tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, tháng 09 năm 2014 vừa qua, trên cương vị là Trưởng ban tổ chức, chị cùng Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức tổ chức rất thành công Hội diễn văn nghệ  lần thứ nhất  dành cho  kiều bào đang định cư tại CHLB Đức. Chị là Phó chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức.
 
Nhìn những hình ảnh chị cùng với bà con đang sinh sống ở Hải ngoại, chung nhịp đập con tim, luôn hướng về tổ quốc, hướng về biển đảo yêu thương qua những khẩu hiệu, xuống đường phản đối Trung Quốc đưa dàn khoan 981 vào thềm lục địa của Việt Nam để thấy tấm lòng của chị cùng kiều bào ngày đêm hướng về quê hương thật đáng trân trọng.

 Nghệ sĩ Bích Nga (đội nón) luôn dẫn đầu những đợt biểu tình tại Frankfurt  phản đối TQ đưa dàn khoan xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Ở Frankfurt /Main, CHLB Đức chị cũng đã thành lập Hội văn hóa phụ nữ Mi Fa Fa (ý nghĩa của 3 nốt nhạc Mi-Fa-Fa để gắn với âm nhạc). Hội viên của MiFaFa cũng là những thành viên yêu văn hóa văn nghệ như đàn, hát, múa...những bài hát và điệu múa truyền thống quê hương. Ngoài ra, MiFaFa cũng tổ chức các lớp học tiếng Việt cho các cháu được sinh ra và lớn lên ở Đức với mọi lứa tuổi từ 7 đến 16 tuổi. Ngoài học tiếng mẹ đẻ, các cháu đến đây cũng được học múa, hát, và học đàn dân tộc như: đàn Tranh, đàn Bầu...miễn phí. Chị tâm sự: “Mục đích của em chỉ muốn được truyền cho các cháu văn hóa truyền thống của dân tộc mình”. Trong tất cả các chương trình văn nghệ cộng đồng khu vực luôn có sự góp mặt của MiFaFa. Tuy vất vả và “vác tù và hàng tổng“ nhưng chị vẫn luôn cố gắng để không lãng phí những năm tháng mình đã được đào tạo bài bản trên ghế nhà trường, góp phần cho văn hóa truyền thống vẫn được lưu truyền trong cuộc sống cộng đồng tại hải ngoại. Trao đổi với chị, chị vẫn thầm cảm ơn câu nói của người cha- nhạc sĩ Nguyến Đình Tấn, Ông nói: “thôi con học đàn Bầu cho nó dân tộc, không học Piano nữa, nếu không mọi người sẽ nói con các ông nhạc sỹ toàn học nhạc Tây”. Cũng chính vì câu nói đó mà cuộc đời của chị đã gắn liền với cây đàn bầu. Và cho dù có đi đâu, về đâu, làm gì, chị vẫn luôn nghĩ về Văn hóa Việt Nam, về “Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”. Điều đó cũng đã chứng minh từ xa xôi, tốn kém, không quản gian nan vất vả chị đã háo hức về tham dự và biểu diễn tại nhạc hội đàn bầu 2014, thật đáng trân trọng.
 
Nguồn: Nhạc Hội Đàn Bầu
Ảnh: NHĐB và BTT LH







Cùng kiều bào biểu tình tại Frankfurt/Main phản đối Trung Quốc xâm lược lãnh hải Việt Nam… 

Nghệ sĩ Bích Nga trong chương trình ca nhạc từ thiện tại Nürnberg, CHLB Đức


Nghệ sĩ Bích Nga (thứ 3 từ phải) Trưởng BTC Hội diễn Văn nghệ toàn LB Đức

Nghệ sĩ Bích Nga (thứ năm từ phải) cùng các nữ đại biểu tham dự Đại hội của LH người Việt toàn LB Đức tháng 11/2014

Phó Chủ Tịch LH-Nghệ sĩ Bích Nga (áo dài) cùng BCH LH nhiệm kỳ II
 

Go to top