ĐĐ Thích Thông Đạt (cầm Micro) chủ trì nghi lễ cầu siêu
(bvd-vn.de) - Lời kêu gọi tham dự Lễ cầu siêu tổ chức tại München được phát đi. Thời gian quá gấp trong bối cảnh công việc bề bộn, mặc dù không có mặt tham gia trực tiếp trong BTC nhưng Liên hiệp người Việt toàn LB Đức đã cử những người có kinh nghiệm có mặt giúp đỡ trong công tác chuẩn bị, vận động tuyền truyền thông tin rộng rãi trong cộng đồng. Và có mặt trực tiếp để đưa tin. Xin gửi tới độc giả ghi chép từ München.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, Phật giáo là một trong những tôn giáo đã sớm du nhập và song hành phát triển cùng dân tộc, tạo nên nét rất đặc trưng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc! Các Trung tâm Phật giáo hình thành ở châu Âu, tuy cách xa quê nhà tới hàng chục nghìn cây số đã quy tụ đông đảo Tăng Ni, Phật tử về hành thiền và tu tập không ngoài mục đích „tốt đời, đẹp đạo“, kêu gọi hòa bình cho Việt Nam và thế giới.
Với triết lý từ, bi, hỷ, xả soi sáng và dẫn dắt, đạo pháp đưa con người xích lại gần nhau hơn, sống tràn đầy trong tình yêu thương nhân loại, tổ quốc, biết trân quý lẫn nhau. Khi Tổ quốc lâm nguy, có những người con vì sự trường tồn của dân tộc phải hy sinh xương máu mà mãi mãi nằm xuống. Đạo pháp với tinh thần tri ân, báo ân luôn nêu cao truyền thống văn hóa đầy tính nhân văn tốt đẹp của dân tộc Việt bằng các nghi lễ cầu nguyện siêu độ…
Nêu cao đạo lý „Uống nước nhớ nguồn“, ngày 22/3/2015, dưới sự chủ trì của Đại Đức Thích Thông Đạt -Tăng chúng Tổ đình Vĩnh Nghiêm-một nghi lễ cầu siêu cho những người con đất Việt đã hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo của dân tộc. Tham dự lễ cầu siêu có hàng trăm bà con Phật tử và kiều bào đang định cư tại tiểu bang Bayern (Bavaria CHLB Đức). Trong cái rét cuối đông và mưa rơi, trước tòa Lãnh sự của Trung Quốc (Romanstrasse.107, 80639 München), nghi lễ diễn ra rất trang nghiêm, thành kính. Trong mùi hương trầm quyện tỏa, tiếng cầu kinh của Đại Đức và các Phật tử hòa cùng tiếng chuông ngân xa như muốn gửi tới những linh hồn bất tử lời tri ân, lòng thành kính và tiếc thương vô hạn.
Sau lễ cầu siêu, khi chư Tăng và Phật tử đã trở về. Ban tổ chức tiếp tục phần 2 của chương trình là một lễ mít tinh để cộng đồng người Việt Nam có mặt biểu thị tinh thần đoàn kết với nhân dân trong nước trong sự nghiệp đấu tranh gìn giữ bờ cõi thiêng liêng của tổ tiên để lại. Phản đối những hành động sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc trà đạp lên luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm chiếm và xây dựng trái phép trên những hải đảo của Việt Nam. Cướp bóc và giết hại những ngư dân Việt đang làm ăn ngay chính trên ngư trường của Tổ quốc…Một kháng thư đã được BTC gửi tới TLS quán của Trung Quốc.
Võ sư Lê Trương Mịnh (Võ đường Võ Lâm Regensburg) đã có một bài thuyết trình về lịch sử bờ cõi Việt Nam, ôn lại hào khí dân tộc, khơi dậy niềm tự hào về tinh thần quật cường của cha ông đã bao lần chiến thắng giặc phương Bắc, bảo vệ nền độc lập cho dân tộc.
Trao đổi với những người trong Ban Tổ Chức, ông Trần Thanh G. cho PV biết, lần đầu tiên một lễ cầu siêu cho những người đã mất được cử hành ngay trước cơ quan đại diện của một chính phủ đã ra lệnh tàn sát, gây nên bao mất mát oan nghiệt cho dân tộc chúng ta. Chúng tôi muốn gửi một thông điệp tới bè bạn Quốc tế hãy thức tỉnh và đồng cảm để xuống đường đồng hành cùng chúng tôi bảo vệ lẽ phải, giữ gìn và tôn trọng một trật tự của thế giới văn minh. Việc chư Tăng Tổ đình Vĩnh Nghiêm tham dự lễ cầu siêu cho chúng ta thấy, việc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc không phải của riêng ai. Hãy gạt bỏ những định kiến sai lầm, ấu trĩ cố tình gắn thêm hai chữ „chính trị“ vào công cuộc đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc để biện minh cho sự thờ ơ với vận mệnh của Tổ Quốc! Thiền sư Ngô Chân Lưu – Khuông Việt quốc sư, một tấm gương hạnh - tuệ tiêu biểu của Phật giáo VN trên tinh thần hộ quốc an dân có truyền lại một câu kệ rằng: "Trong cây vốn có lửa, Có lửa, lửa mới bừng, Nếu bảo cây không lửa, Cọ xát do đâu bùng?”.
Bài và ảnh: Ban TT LH