Toàn cảnh tòa nhà Quốc hội Đức tại Berlin

Nhận lời mời của Tiến sỹ Martin Pädzold (Nghị sĩ quốc hội Đức-CDU), Đoàn đại diện Liên hiệp người Việt toàn Liên Bang Đức đã đến thăm nhà Quốc hội Đức chiều thứ sáu ngày 10.04.2015.

Ấn tượng lớn nhất cho anh em trong đoàn là sự chân thành, mến khách của ông nghị sĩ trẻ. Dù chỉ có nửa tiếng để tiếp đoàn, ông đã cung cấp cho chúng tôi một lượng thông tin khá lớn.

Trước hết Ông nói đôi dòng về cá nhân mình. Ông sinh năm 1984 ở Moskau, trong thời gian Cha của Ông-một  nhà báo Đức công tác tại Nga. Mẹ là người Armenia. Theo gia đình trở về Đức, năm 1990 học phổ thông và tốt nghiệp ở trường Banim Marzahn (nơi hiện có rất nhiều học sinh gốc Việt đang theo học).

Ông tham gia công tác xã hội từ khi còn là học sinh, đến năm 18 tuổi tham gia đảng CDU và do có năng khiếu ngay từ lúc còn rất trẻ, ông đã trở thành người lãnh đạo các tổ chức thanh niên của đảng  CDU.

Năm 2011 ông lấy bằng tiến sĩ  kinh tể. Năm 2013 ông trở thành nghị sĩ Quốc hội Đức và công tác trong Ủy ban Việc làm và Xã hội và Ủy ban Các vấn đề và Cơ hội của Liên minh châu Âu.

Ông khái quát về công việc của nghị sĩ Quốc hội Đức, nó hoàn toàn mang tính chuyên nghiệp. Bản thân ông có 10 nhân viên giúp việc, trong đó có 1 chánh văn phòng. Các thành viên lo chuẩn bị tài liệu cho ông theo các chuyên đề liên quan đến công việc trong Ủy ban chuyên môn và theo kế hoạch do người Chánh văn phòng sắp đặt. Ông cho biết mọi  bài phát biểu và tham luận đều do chính bản thân ông soạn thảo, diễn thuyết theo hiểu biết của mình cộng với  các ý kiến chuẩn bị của nhân viên giúp việc.

Các nghị sĩ Quốc hội cũng như bản thân ông phải thường xuyên  cập nhật tin tức thời sự,trau dồi kiến thức, hiểu biết và rèn luyện khả năng khẩu chiến trên nghị trường một cách sắc bén. Mục đích luôn nhanh chóng thuyết phục các nghị sĩ những đảng phái khác chấp nhận quan điểm của mình trong thời gian diễn thuyết  được qui định cho mỗi diễn giả rất ngặt nghèo.

Quốc hội Đức có một Ban Luật sư riêng. Họ sẽ tư vấn giúp các nghị sĩ về kiến thức luật trong các vấn đề liên quan đến pháp lý. Theo ông Pädzold trình bày, Quốc hội Đức có lịch làm việc rất sát sao, trừ thời gian các kỳ nghỉ hè, lễ tết, Quốc hội hầu như nhóm họp quanh năm để thông qua các quyết định quan trọng của đất nước về xây dựng, sửa đổi luật pháp cũng như các quyết sách mang tính pháp lý làm cơ sở cho Chính phủ thực hiện.

Sau những phút tiếp kiến thân tình, ông Nghị sĩ tạm biệt chúng tôi và cử người hướng dẫn Đoàn đi thăm nhà Quốc hội. Người hướng dẫn cũng là một thanh niên còn rất trẻ, đang thực tập trong văn phòng. Anh nhiệt tình, vui vẻ, cung cấp nhiều thông tin khá thú vị về phương thức quản lý nghị sĩ Quốc hội: Ông chỉ cho chúng tôi một dãy bàn có bảng điện tử để lấy chữ ký và ghi danh của mỗi nghị sĩ  trong thời gian họp Quốc hội. Ai vắng mặt không có lý do sẽ bị phạt 400€. Người bị ốm nhưng điều trị ngoại trú vẫn  bị phạt một nửa tức là 200 €. Người vắng có lý do được chấp nhận chỉ khi đi công tác nước ngoài hay ốm nằm bệnh viện.

Theo qui định, các nghị sĩ Quốc hội có trách nhiệm bắt buộc tham gia tất cả các cuộc đầu phiếu về các vấn đề. Ai không có mặt trong cuộc đầu phiếu hay có mặt mà quên không bỏ phiếu  bị phạt 400€.

Nếu trong 1 ngày họp có bốn vấn đề cần thông qua bỏ phiếu để quyết định thì người vắng mặt không lý do hôm đó sẽ bị phạt 1600€. Điều này công bằng cho tất cả các nghị sĩ, kể cả bà Angela Merkel (đương nhiệm Thủ tướng) hay những người tiền nhiệm như ông Gerhard Schröder, Helmut Kohl…

Một điều thú vị nữa là những hàng ghế của các đảng trong phòng họp chính, không có chỗ ngồi qui định cho từng nghị sĩ. Ai đến trước ngồi trước, hay muốn ngồi cạnh ai thì ngồi, trừ vị trí trên đoàn chủ tịch. Các nghị sĩ đều bình đẳng như nhau vì mỗi lá phiếu đều có giá trị như nhau.

Quốc hội Đức có hẳn 5 người chịu trách nhiệm kiểm tra chữ ký điểm danh của hơn 600 nghị sỹ nhằm tránh việc các  vị nhờ nhau ký hộ để tránh bị phạt tiền. Tất nhiên, 5 người này phải thuộc các chữ ký mới có thể phát hiện  được đúng, sai, thật, giả!

Như vậy các nghị sĩ Quốc hội cũng là những công chức trong hệ thống cơ quan công quyền của nước Đức và họ cũng có trách nhiệm thực thi nội qui quản lý của cơ quan và cơ quan cũng có các biện pháp giám sát họ chặt chẽ bình đẳng như mọi công dân khác.

Cả khu Quốc hội Đức có 21 tòa nhà, nằm rải rác quanh khu nhà Quốc hội và kéo qua cả khu vực dọc đường Unter der Linden và các tòa nhà đó thông nhau bằng các đường hầm. Các nghị sĩ  và nhân viên phục vụ đều có thể đi  đến tất cả các bộ phận trong khu văn phòng mà không phải lên khỏi mặt đất. Trước đây các đường hầm này được xây bằng gạch cuốn rất hẹp và tối (trong hầm trưng bày còn lưu giữ một đoạn đường hầm này để khách tham quan chiêm ngưỡng), bây giờ đường hầm được xây dựng khang trang với đầy đủ thiết bị, tiện nghi như các tầng khác.

Điều đáng ngạc nhiên nữa là, khi họp Quốc hội, các Đại biểu dự họp muốn ăn uống  đều tới căng tin bỏ tiền túi ra mua theo ý thích và nhu cầu của mình. Chúng tôi được thấy một căng tin trên đường tham quan, nhìn qua thấy các món ăn, giá cả cũng không khác các căng tin ở nhiều công sở khác trong thủ đô Berlin.

Những phòng họp giản dị của các nghị sĩ Quốc hội Đức

Khi đến thăm các phòng họp của các nghị sĩ của các đảng, dù là đảng cầm quyền (CDU và SPD hiện nay) hay đảng đối lập, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về sự giản dị của nó. Ghế ngồi của các nghị sĩ Quốc hội kể cả vị trí ghế ngồi của bà Angela Merkel (mà trong đoàn chúng tôi có người đã ngồi vào chiếc ghế đó để chụp ảnh) trông đơn giản cả về kiểu cách cũng như chất liệu làm ra nó. Bàn làm việc của các nghị sĩ trông không khác bàn của các lớp học phổ thông trung học. Các phòng họp này hoàn toàn do các đảng tự trang trí và trang bị bằng tài chính của đảng mình  sau mỗi lần bầu cử cho phù hợp với số đại biểu trúng cử. Có lẽ vì lý do đó mà các đảng đều trang bị rất đơn giản và tiết kiệm.

Đặc biệt trong nhà Quốc hội Đức có các phòng tôn giáo khác nhau dành cho các nghị sĩ khi họ có nhu cầu thực hành nghi lễ. Ví dụ như nhà (phòng) thờ của Thiên Chúa Giáo, đạo Hồi, Phật giáo… với mục đích để cho các nghị sĩ  tới đây cầu nguyện, tĩnh tâm  trong  thời gian họp. Chúng tôi được đưa đến phòng đạo Thiên Chúa, căn phòng rộng khoảng gần 100 M² có các hàng ghế gỗ khá đồ sộ. Người hướng dẫn viên giải thích, trước những cuộc đầu phiếu quan trọng ví dụ quyết định đưa quân đi tham chiến ở Afganistan chẳng hạn, nhiều nghị sĩ đã xuống đây cầu nguyện Chúa của họ ủng hộ quyết định khó khăn này. Ông cũng nói, ở đây người ta cũng có thể tiến hành  hôn lễ như ở các nhà thờ khác, có điều người Đức không chọn nhà thờ này cả trăm năm nay rồi vì lý do nó chật và không đẹp như các nhà thờ bên ngoài.

Chúng tôi không phải là đoàn duy nhất đi thăm nhà Quốc hội vì nhiều nghị sĩ khác cũng mời cử tri của họ tham quan như ông Pädzold mời chúng tôi.

Chúng tôi có đặt câu hỏi với người hướng dẫn là tại sao nhà Quốc hội Đức có nhiều người vào thăm như vậy và các nghị sĩ mời các cử tri của mình vào thăm nhà Quốc hội với mục đích gì? Ông  trả lời rất thẳng thắn, đây là cơ quan quyền lực của nhân dân, việc mở cửa để nhân dân vào xem cơ quan quyền lực của mình là đương nhiên! Hơn nữa, mọi việc cần phải - như tiếng Đức là "Transparent" - tức là minh bạch thì cần phải cởi mở để dân biết. Các nghị sĩ Quốc hội rất mong cảm ơn các cử tri của mình bằng việc đưa họ đi tham quan nhà Quốc hội theo sự ưu đãi đặc biệt có hướng dẫn viên cung cấp cho người dân biết về kiến trúc, về lịch sử và cách vận hành cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, qua đó làm cho cử tri càng tin tưởng hơn sự lựa trọn đại diện của mình trong cơ quan tối cao của đất nước.

Với những cảm nhận có được qua chuyến tham quan gần hai giờ thú vị này, xin mạnh dạn chia sẻ cùng độc giả./.

Bài:V.Q. Nam
Ảnh: Lê Yến



















 

Go to top