Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Huffingtonpost

(bvd-vn.de)  Theo các nguồn tin VN và quốc tế, tại hội nghị G20 diễn ra ở Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 05.9 khẳng định rằng Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines tại Biển Đông, đồng thời phản đối các nước bên ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên và cũng rất hiếm hoi nhà lãnh đạo Nga đề cập tới vấn đề Biển Đông và vụ kiện tranh chấp chủ quyền Philippines  và Trung Quốc, đặc biệt là sự ủng hộ với Bắc Kinh.
 
Vậy là, sau một thời gian vận động rất dài,Trung Quốc đã chính thức được ông Putin tiếp sức trong mưu đồ từng bước bá chủ Biển Đông.

Lâu nay, ông Putin vẫn thường nói: "Theo quan điểm của tôi, sự can thiệp của bên thứ ba là các cường quốc bên ngoài khu vực đều là thiếu tính xây dựng và gây hại". Bởi vậy, lần này sau lời tuyên bố chính thức trước bàn dân thiên hạ, ông liền nói, theo Sputnik News:  "Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi đã cùng phát triển mối quan hệ tin cậy và thân thiện. Nhưng tôi xin nhấn mạnh ông ấy chưa bao giờ đề nghị tôi đưa ra bình luận hay can thiệp gì vào vấn đề này (vấn đề Biển Đông)". Rồi ông lại giải thích  thêm: "Chúng tôi thống nhất và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này, không công nhận quyết định mà tòa trọng tài đưa ra. Đây không phải là lập trường chính trị ...“. Hẳn ông Putin đã cho rằng, cả thế giới đã (và phải) hiểu ý ông rồi.

Thế mà, cả thế giới sau phút ngạc nhiên ban đầu, đã phải cố gắng phân tích, tìm hiểu nguyên nhân của lời tuyên bố hùng hồn, nhưng „không có ý can thiệp của bên thứ ba“ này.

Nhà nghiên cứu người Nga Alexander Gabuev từ Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Canegie ở Moscow nhận định trên South China Morning Post (Hong Kong): Nga cần thị trường, nguồn vốn của Trung Quốc, cần bán vũ khí cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng có thể cung cấp một số linh kiện thiết bị quân sự cho Nga. À ra vậy. Thế nhưng,  tờ báo Hong Kong viết tiếp, không có nhiều người Trung Quốc tin rằng ông Putin là một người bạn thực sự của nước họ. Mặt khác, quan hệ Trung - Nga dường như chỉ xây dựng trên sự đổi chác lợi ích một cách thực dụng, thiếu sự bền vững lâu dài dựa trên luật chơi chung - luật pháp quốc tế. Khi xảy ra mâu thuẫn lợi ích, đồng minh cũng có thể quay ra cắn xé nhau.


MA. Alexander Gabuev, Chương trình Asia-Pacific,  Trung tâm Carnegie Moscow. 

Tiến sỹ Ian Storey, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute) ở Singapore nhận định: "Trước đây Nga luôn kiềm chế không giữ lập trường mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông vì muốn duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam, hai đối tác chính của Nga ở Á châu. Thế nhưng nay Putin dường như đã bước hẳn sang phía Trung Quốc với tuyên bố không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế PCA.


Dr. Ian J. Storey,   ISEAS - Yusof Ishak Institute, Singapore

Trong khi tinh thần của phán quyết này là có lợi cho Việt Nam, chắc chắn Hà Nội sẽ rất tức giận. Tuy nhiên phát biểu của Putin cho thấy ông ta không hiểu biết lắm về quá trình phân định trước khi đưa ra phán quyết. Ông ta nói rằng Trung Quốc không có điều kiện trình bày quan điểm của mình nhưng thực ra không phải vậy. Trung Quốc đã có nhiều cơ hội, nhưng họ từ chối không làm.“


Dr. Vasily Kashin, chuyên gia Nga nghiên cứu về Tổ hợp công nghệ quân sự của Trung Quốc.

Ông Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow đã có cuộc trao đổi với phóng viên BBC hôm 06.9: Hồi cuối tháng Tám, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay Ukraine đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa Trọng tài PCA theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crimea. Khiếu nại có thể bao gồm các vùng biển Azov, Biển Đen và Eo biển Kerch cùng tài nguyên tại các vùng biển đó. Bởi vậy, lập trường của Trung Quốc về phán quyết của Tòa theo UNCLOS đâm ra lại trở nên có lợi cho Nga.
 
Tin: BTT LH (Tổng hợp)
Ảnh: Internet
 

Go to top