Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình - Ảnh: Ngọc Thắng


(bvd-vn.de) Theo các nguồn tin quốc tế và Việt Nam,  ngày 29.10.2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thời gian qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

„Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)“

Như tin đã đưa, hôm 27/10 tàu khu trục tên lửa dẫn đường Lassen của Mỹ đã di chuyển vào trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013.
 


Hôm 27.10.2015, tàu khu trục USS Lassen đã vượt qua khu vực 12 hải lý để tiến đến gần Đá Subi - Ảnh: Reuters  
 

Trung Quốc đã và đang xây dựng trái phép trên các bãi đá Subi, Chữ Thập và Vành Khăn mỗi nơi một đường băng dài 3000 m cho máy bay quân sự, kể cả máy bay tiêm kích và ném bom.
 
Được biết, trên quần đẩo Trường Sa của Việt Nam đã có 4 đường băng đang hoạt động: Đường băng trên đảo Trường Sa lớn dài 550 m dùng cho máy bay vận tải và máy bay trinh sát. Trên các đảo Thị Tứ (hiện do Philippine kiểm soát), Đảo Ba Đình (do Đài Loan kiểm soát) và Bãi đá Hoa Lau (do Malaysia kiểm soát) cũng đã có đường bay quân sự dài từ 1000 đến 1400 m.
 
Tin: BTT LH (tổng hợp).
Ảnh: Internet

Go to top