Lịch sử đã ghi nhận: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.


(bvd-vn.de)  „Bằng mọi giá chúng ta sẽ lấy lại Hoàng Sa“, đó là lời chia sẻ của ông Trần Hoà, một nhân chứng từng bảo vệ, sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa trong buổi gặp mặt chiều ngày 19.01.2017 (giờ VN) với các nhân chứng Hoàng Sa do chính quyền huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) tổ chức.

Tại buổi họp mặt này, ông Lê Đình Rê, một nhân chứng Hoàng Sa khác, cho biết, ông là một người lính Việt Nam Cộng Hòa, đã từng cứu hộ 3 chiến hạm tham chiến Hoàng Sa bị kẻ thù bắn trở về Đà Nẵng ngày 20.1.1974. Ông Rê ao ước một ngày nào đó lại được ra khơi, có mặt ở Hoàng Sa. Lúc đó, dù có già, ông cũng xin làm một thủy thủ, một thuyền trưởng đi Hoàng Sa thân yêu.

Cũng trong buổi họp mặt, chính quyền huyện Hoàng Sa cho biết, đã phối hợp với bảo tàng Đà Nẵng tiến hành sưu tầm, thu thập và chọn lựa 400 bản đồ, tư liệu, ảnh tư liệu liên quan trực tiếp đến quần đảo Hoàng Sa để lập hồ sơ đăng ký vào sổ kiểm kê, lập phiếu hộ chiếu và số hóa. Đặc biệt, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã giới thiệu về tập bản đồ cực kỳ giá trị khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ban thông tin Liên hiệp đã tìm hiểu thận trọng và xin giới thiệu với bà con và bạn đọc một số thông tin về bộ bản đồ của nhà khoa học địa chất-bản đồ lừng danh thế giới  Philippe Vandermaelen (1795-1869).

Bộ bản đồ có tên tiếng Pháp là  Atlas Universel, xuất bản năm 1827. Bộ Atlas này gồm 6 tập (Volumes) với 7 bản đồ tổng quát và 381 bản đồ chi tiết của 5 châu lục.

Thư viện đại học Princeton danh tiếng của Mỹ đã số hoá bộ bản đồ. Các bản đồ về Việt Nam và Trung Quốc nằm trong Tập 2 gồm các bản đồ về Á Châu (Volume 2: Asia).

Các bản đồ chứa các phần của Việt Nam gồm: Bản đồ số 97, số 105, số 106 và số 110. Trong bản đồ số 106 (trong khoảng vĩ độ 16 đến 17 và kinh độ từ 109 đến 111) ghi rất rõ: Partie de la Cochinchine - Paracel Islands (Bản đồ Nam phần Việt Nam - Quần Đảo Hoàng Sa)
                                


Bản đồ chứa các phần của Việt Nam... 


Có tới 26 bản đồ chứa tất cả các phần của Trung Quốc. Tuyệt nhiên không có bất cứ bản đồ nào trong số đó có bóng dáng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa! Đặc biệt, bản đồ số 98 (vĩ độ 18 đến 21 và kinh độ 106 đến 114) cho thấy rõ ràng: Phần cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.
                                  


Phần cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.


Một nhà khoa học Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, đã đánh giá bộ bản đồ như sau:

"Xét trên mọi khía cạnh, bộ Atlas của Philippe Vandermaelen có thể coi là tài liệu vô giá, là bằng chứng hùng hồn, đích thực, hiệu quả và có giá trị pháp lý quốc tế cao cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam"./.
 
Tin: Ban Thông tin LH
Ảnh: Internet

 
Go to top