Điểm bán hàng chỉ phục vụ du khách Trung Quốc tại chợ Vườn Đào, Bãi Cháy (Quảng Ninh)- Ảnh: laodong


(bvd-vn.de) Theo các nguồn tin Việt Nam, từ nhiều năm qua, các công ty lữ hành Việt Nam đua nhau hạ giá tour để nhận khách, dưới sức ép của các đối tác Trung Quốc, tới nay, giá 1 tour gồm 4 ngày, 3 đêm  là … 0,0 Đồng. Thậm chí, có tour khách Trung Quốc còn được nhận thêm quà, nghĩa là giá… âm!

Sao lại có cái sự lạ kỳ vậy? Phóng viên của báo Lao Động đã tiến hành những cuộc „đột nhập“ vào những nơi đầy bí ẩn của ngành du lịch Việt Nam, nhằm khám phá ra bí quyết kinh doanh du lịch có một không hai trên toàn thế giới này!

Phóng viên tìm cách tiếp cận một số điểm bán hàng tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Hà Khẩu…, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nhưng vận may không đến, dù đã luôn nhoẻn nụ cười đầy tình cảm „chào anh, chào em, cảm ơn...“  mà vẫn bị gạt ra ngoài, bởi vì …  cửa hàng “chỉ bán cho người Trung Quốc” (!?)

Phóng viên vận dụng bí quyết nghiệp vụ, „Ní hảo, xịa xịa, ...“, và quả thật đã thành công tại một vài điểm bán hàng, họ đã đi lọt, nhờ trà trộn vào đám đông khách Trung Quốc.

Và phóng viên đã khám phá ra những „bí ẩn thâm cung“ ấy. Hoá ra cũng chỉ là một cách „làm tiền“ mà thôi, về bản chất, chẳng khác gì việc mấy vị …
vẫn thường làm trong các chợ mà bà con ta hàng ngày  chứng kiến. Xin dẫn hai trường hợp cụ thể làm ví dụ:

Tại một trong các điểm bán hàng „bí ẩn“ ấy có bán rất nhiều hàng hoá hấp dẫn đối với người Trung Quốc. Hóa đơn thanh toán của một điểm bán hàng cho thấy: Riêng một đoàn 26 khách đã mua tới 334 triệu đồng tiền hàng. Số tiền trên được chia chác như sau:

Công ty đưa khách đến: 77 triệu đồng, cộng thêm 3,4 triệu (gọi là „tiền đầu khách“);

Lái xe: 10 triệu đồng „tiền cơ bản“ và 70.000 đồng/đầu khách;

Hướng dẫn viên: 53,5 triệu đồng.

Số còn lại: (khoảng 190 triệu đồng) thuộc về điểm bán hàng. 

Tại một điểm bán hàng khác cho thấy, doanh thu từ một đoàn 27 khách đạt 245 triệu đồng và được chia như sau:

Công ty cung cấp khách : 46,7 triệu đồng cùng 3,5 triệu tiền đầu khách;

Hướng dẫn viên: 49 triệu đồng;

Lái xe: 7,3 triệu đồng ...

Đáng nói là, hàng ngày mỗi điểm bán hàng có tới  cả chục đoàn khách được dẫn tới như thế.

 


Điểm bán hàng chỉ phục vụ khách Trung Quốc tại cổng vào khu du lịch Tuần Châu - Ảnh: laodong

Theo một số hướng dẫn viên du lịch, nguồn thu từ các điểm bán hàng là nguồn chính để kiếm lời cho cả một hệ thống đón khách đường bộ Trung Quốc với giá bằng 0,0. “Với mức ăn chia như thế, giá tour bằng không vẫn có lãi“, một hướng dẫn viên chia sẻ.

Thực ra, nước nào, khâu nào trong chuỗi dịch vụ cũng đều có trả tiền hoa hồng. Vấn đề là, người ta kiểm soát được nguồn tiền giao dịch của các điểm bán hàng và thu thuế đầy đủ, chứ không chia chác tuỳ tiện đến mức thao túng, lũng đoạn thị trường, đưa giá tour du lịch của khách Trung Quốc về 0,0!

Được biết, chỉ riêng tại Quảng Ninh, hàng năm có khoảng 360.000 lượt khách đường bộ Trung Quốc đến. Theo mức giá tối thiểu hiện nay cho một tour 4 ngày, 3 đêm  ít nhất là 700 NDT (khoảng 2,4 triệu VND) mỗi khách.  Như vậy, với lượng khách nói trên, doanh thu tối thiểu cần phải đóng thuế là hơn 856 tỉ VNĐ/năm.

Câu hỏi đơn giản đặt ra là:  nếu doanh thu là 0,0 VNĐ  (hoặc gần như vậy), thì các công ty đưa khách đóng thuế thế nào đây? Và các điểm bán hàng với cách chia chác lợi nhuận như thế,  thì tính thuế thế nào đây? Vói tình trạng này mà không thấy người Trung Quốc tràn sang mới là lạ./.
 
Tin: Ban Thông tin LH 
Ảnh:  Internet

 

Go to top