Liên hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức

(Bundesverband der Vietnamesen in Deutschland e.V.– BVD)  

 Điều lệ 

(Đăng ký: 12.11.2013) )

§1 Tên, trụ sở Hội, năm hoạt động

(1) Hội mang tên: Liên hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức. Tên tiếng Đức: Bundesverband der Vietnamesen in Deutschland e.V. (viết tắt: BVD).
 
(2) Trụ sở chính: Hội có trụ sở chính tại Berlin. 
 
(3) Năm hoạt động tính theo niên lịch. Hội đã đăng ký tại “Amtsgerichts Charlottenburg Berlin”, Số đăng ký: VR 31358 B.
 
§2 Mục đích và nhiệm vụ 
 
(1) Hội tập hợp các hội đoàn, cá nhân người Việt không phân biệt quốc tịch, đang cư trú tại CHLB Đức có cùng mục đích phục vụ và bảo vệ lợi ích cộng đồng người Việt trước các cơ quan công quyền Đức, Việt Nam và các tổ chức dân sự khác, góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt vững mạnh, đoàn kết, phát triển, hướng nội, hoà nhập tốt, có vai trò cầu nối trong cộng đồng và hai quê hương Đức và Việt Nam.
 
(2) Nhiệm vụ của Liên Hiệp:
 
- Đại diện cho các Hội thành viên và Hội viên cá nhân;
 
- Phối hợp, trao đổi kinh nghiêm, thông tin giưã các Hội viên;
 
- Tư vấn và hỗ trợ các Hội viên;
 
- Chuyển tải nguyện vọng của cộng đồng tới các cấp có thẩm quyền liên quan của 2 nước;
 
- Xây dưng mối quan hệ với các hội đoàn khác trên phạm vi Liên bang và Châu Âu;
 
- Xây dựng và thực hiện các dự án theo các chương trình, chính sách tài trợ của EU, Liên bang và Tiểu bang, phục vụ cho mục đích hoà nhập, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và đoàn kết quốc tế.
 
- Phối hợp với các hội thành viên, tổ chức điều phối các chương trình, hoạt động cộng đồng mang tính chất toàn Liên bang, nhất là các chương trình hoạt động dành cho thế hệ trẻ. 
 
(3) Những mục tiêu chính:
 
- Quyền bình đẳng của tất cả các thành phần cư dân trên nước Đức.
 
- Tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân Đức và nhân dân Việt nam thông qua sự hỗ trợ trong trao đổi văn hóa, chăm sóc thế hệ trẻ , cũng như giáo dục và đào tạo nghề.
 
- Tăng cường sự hợp tác về khoa học, văn hoá, nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế và xã hội giữa Đức và Việt Nam và cả Châu Âuvì tình đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc;
 
- Ủng hộ các khiếu kiện vì quyền lợi của những người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự bài ngoại;
 
(4) Những biện pháp thực hiện các mục tiêu:
 
- Tổ chức các hội thảo về Giáo dục, Văn hóa, tổ chức triển lãm, biểu diễn văn nghệ với mục tiêu là sự xích lại gần nhau của các nền văn hóa khác nhau;
 
- Tổ chức tư vấn, các khóa học và hội thảo về những đề tại nói trên, nhằm mục đích để người nhập cư quen dần với văn hoá, lịch sử, tôn giáo và hệ thống luật pháp của Đức, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong hội nhập và trong cuộc sống ở Đức.
 
- Tổ chức các hội thảo, hội nghị, thành lập các nhóm làm việc, xây dựng, thục hiện và ủng hộ các dự án nhằm thúc đẩy quan hệ giũa Việt Nam và Đức và xoá bỏ các định kiến.- Thực hiện các dự án giáo dục và đào tạo nâng cao tay nghề cho thiếu niên và thanh niên, tạo điều kiện cho họ tiếp cận bình đẳng thị trường lao động của Đức;
 
- Thực hiện các dự án trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ thanh thiếu niên, bao gồm việc trao đổi các nhóm thanh thiếu niên của hai nước và tạo những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên đang sống tại Đức;
 
- Thực hiện những dự án phù hợp để xây dựng những trung tâm gặp gỡ, giao lưu cho người Việt cao tuổi, thích hợp với những nhu cầu riêng về văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo và khả năng tài chính của họ. Tổ chức gặp gỡ với những người cao tuổi của các cộng đồng nhập cư khác để tạo ra sự giao lưu đa văn hóa, tránh sự cô lập khi về già. Qua đó đóng góp vào quá trình hội nhập cho người cao tuổi Việt Nam ở Đức.
 
§ 3 Tính chất công ích
 
(1) Hội hoạt động phi lợi nhuận, không vì mục đích kinh tế. Hội chỉ theo đuổi mục đích công ích và thiện nguyện, theo Luật Thuế quy định tại điều §52 ff AO.
 
(2) Kinh phí và tài sản của hội chỉ được phép sử dụng cho những mục đích quy định trong điều lệ hội. Không một cá nhân nào được chi tiêu những khoản khác với mục đích của Hội, không được nhận thù lao mang tính đặc quyền đặc lợi không đúng với các qui định hiện hành.
 
(3) Hội viên khi đã ra khỏi Hội hay khi Hội giải thể thì không được truy lĩnh hay đòi lại những gì đã đóng góp cho Hội.
 
§ 4 Hội viên
 
(1) Các cá nhân, hội đoàn tán thành điều lệ hội đều có thể trở thành hội viên. Đơn xin gia nhập hội do Ban chấp hành quyết định. Hội nghị thường niên xem xét những trường hợp có khiếu nại.
 
(2) Mỗi hội thành viên được cử từ 2 đến 7 đại biểu tham gia là hội viên của Liên hiệp. Những hội viên này đồng thời là đại diện của hội thành viên.
 
(3) Hội viên tài trợ là các cá nhân, hoặc tổ chức ủng hộ tài chính và gắn bó đặc biệt với mục đích của hội. 
 
(4) Hội viên danh dự là những cá nhân và tổ chức có đóng góp nổi bật cho sự phát triển của hội. 
 
(5) Hội viên danh dự và hội viên tài trợ do Hội nghị thường niên công nhận, trao tặng, theo đề xuất của Ban Chấp hành.

§5 Hội phí
 
Mức hội phí do Hội nghị thường niên quyết định, và được tính dựa trên số lượng đại biểu cử tham gia Hội nghị thường niên của nhiệm kỳ đó. Hội phí nhiệm kỳ đầu tiên được ấn định 24 Euro/năm/1 Đại biểu.
 
§6 Chấm dứt hội viên
 
(1) Việc xin ra khỏi Hội có hiệu lực sau thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm thông báo.

(2) Hội viên có thể bị khai trừ khi vi phạm nghiêm trọng điều lệ, làm ảnh hưởng đến uy tín và quyền lợi của Hội. Ban Chấp hành quyết định khai trừ. Nếu có khiếu nại, Hội nghị thường niên sẽ quyết định.
 
(3) Hội viên không đóng hội phí quá 1 năm, sẽ do Ban Chấp hành xem xét quyết định khai trừ.

§7 Các cơ quan của Liên hiệp
 
(1) Hội nghị Đại biểu thường niên (Hội nghị thường niên).

(2) Ban chấp hành.

(3) Ban Kiểm tra tài chính
 
§8 Hội nghị Đại biểu thường niên (Hội nghị thường niên)
 
(1) Hội nghị thường niên là cơ quan cao nhất của LH, gồm:

- Ban Chấp hành

- Hội viên danh dự, hội viên tài trợ và đại biểu

- Hội viên là đại diên các hội trong Liên Hiệp đã đóng đủ hội phí 

- Cứ 10 Hội viên cá nhân đóng đủ hội phí, không phải là đại diện các hội cơ sở được cử 1 đại biểu tham dự Hội nghị thường niên. 

- Tất cả đại biểu chính thức đều có quyền biểu quyết bình đẳng cho các vấn đề của Hội nghị thường niên, ngoại trừ hội viên danh dự, hội viên tài trợ.

(2) Nhiệm vụ của Hội nghị thường niên:

- Bầu Ban Chấp hành (cho nhiệm kỳ 3 năm);

- Bầu Ban Kiểm tra tài chính;

- Thông qua báo cáo công tác của Ban Chấp hành;

- Thông qua báo cáo kiểm tra tài chính.

- Thông qua sửa đổi, bổ sung điều lệ.

- Thông qua nghị quyết về tất cả các công việc cơ bản liên quan đến Hội.

--Theo đề nghị của BCH, có quyền bãi nhiệm, bổ xung thành viên BCH;

- Quyết định hội phí.
 
§9 Triệu tập Hội nghị thường niên
 
(1) Hội nghị Đại biểu thường kỳ tổ chức mỗi năm 1 lần (Hội nghị thường niên/HNTN). Ban Chấp hành gửi giấy triệu tập HNTN kèm dự kiến chương trình nghị sự cho hội viên với thời hạn triệu tập ít nhất 4 tuần.

(2) Hội nghị Đại biểu bất thường được BCH triệu tập, theo đề nghị của BCH hoặc khi có ít nhất 1/3 hội viên đề nghị bằng văn bản có đầy đủ lý do với Ban Chấp hành. 
 
§10 Nghị quyết Hội nghị thường niên
 
(1) Nghị quyết Hội nghị thường niên được biểu quyết theo nguyên tắc quá bán. Trường hợp số phiếu bằng nhau sẽ do ý kiến Chủ tịch LH quyết định.
 
(2) Hội nghị đại biểu thường niên được thư ký viết biên bản, gồm danh sách người tham dự, các kiến nghị, nghị quyết, kết qủa biểu quyết đối với từng vấn đề một. Biên bản phải được Chủ tịch đoàn và Thư ký đoàn ký, gửi cho các hội viên chậm nhất sau 4 tuần. Các đơn khiếu nại phải được gửi tới Ban Chấp hành trong vòng 4 tuần sau khi nhận được biên bản. Hội nghị thường niên tiếp theo sẽ quyết định khiếu nại đó.
 
§11 Thay đổi, bổ sung điều lệ
 
(1) Các thay đổi, bổ sung Điều lệ phải được quyết định theo nguyên tắc quá bán trong Hội nghị thường niên.
 
(2) Dự thảo các thay đổi, bổ sung Điều lệ phải được công bố trước Hội nghị thường niên 4 tuần lễ.
 
§12 Ban Chấp hành
 
(1) Ban Chấp hành gồm 1 Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch, 1 Thủ qũy, và các Ủy viên khác. Số lượng Uỷ viên Ban Chấp hành do Hội nghị thường niên quyết định, căn cứ vào nhu cầu phát triển của Liên hiệp tại thời điểm quyết định.

(2) Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thủ qũy lập thành Thường vụ Ban Chấp hành, theo tinh thần quy định tại điều §26 Bộ Luật Công dân. Thường vụ thay mặt Hội trong các cuộc tranh chấp pháp lý, ký kết hợp đồng, theo nguyên tắc 2 người đồng đại diện.

(3) Ban Chấp hành ra quyết định theo nguyên tắc quá bán. Trường hợp số phiếu bằng nhau sẽ do ý kiến Chủ tịch LH quyết định.

(4) Đối với thành viên Ban Chấp hành không tham gia các cuộc họp BCH 3 lần trong 1 năm, BCH sẽ xem xét và quyết định tư cách thành viên BCH của họ. Trường hợp có khiếu nại do HNTN quyết định.
 
§13 Nhiệm kỳ và bầu cử Ban Chấp hành
 
(1) Ban Chấp hành được Hội nghị Đại biểu bầu với nhiệm kỳ 3 năm. Hội nghị thường niên trong lần bầu BCH được gọi là Đại hội đại biểu. 

(2) BCH dược bầu theo nguyên tắc quá bán và người trúng cử được chọn là những người có số phiếu cao nhất. Đại Hội bầu trực tiếp Chủ tịch LH, người trúng cử Chủ tịch cũng đồng thời là thành viên BCH. Sau đó Đại Hội bầu các thành viên BCH khác. BCH sẽ bầu năm Phó chủ tịch và Kế toán trưởng trong kỳ họp đầu tiên của mình. 

(3) Để tiến hành bầu cử, Đại hội bầu Ban Kiểm phiếu gồm 5 thành viên 
 
§14 Nhiệm vụ Ban Chấp hành
 
Ban Chấp hành chịu trách nhiệm đối với mọi công việc cuả Hội. Ban Chấp hành có những nhiệm vụ cơ bản sau đây:

- Đại diện cho hội.

- Quyết định triển khai những công việc theo nghị quyết các Hội nghị thường niên và mục đích nhiệm vụ quy định trong Điều lệ.

- Tổ chức và chuẩn bị nội dung của các Đại hội và Hôi nghị thường niên .

- Triệu tập Hôi nghị thường niên.

- Soạn thảo báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ.

- Ký và hủy các hợp đồng giao dịch.

- Tổ chức bộ máy hoạt động của hội.
 
§15 Ban kiểm tra tài chính
 
Ban kiểm tra tài chính gồm ba thành viên. Hai thành viên trong đó không thuộc BCH. Ban kiểm tra tài chính do Đại hội bầu. Trưởng Ban không là Uỷ viên BCH.
 
§16 Thủ tục giải thể
 
(1) Việc giải thể hoặc từ bỏ mục đích của Liên Hiệp phải do Hội nghị thường niên hoặc Hội nghị đại biểu bất thường quyêt định và tối thiểu phải được 2/3 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành.

(2) Hội nghị đại biểu sẽ bầu Ủy ban gồm 5 thành viên thực hiện nhiệm vụ giải thể.

(3) Trong trường hợp Liên Hiệp giải thể hay từ bỏ các mục đích được ưu đãi thuế thì tài sản Liên Hiệp phải bàn giao cho môt tổ chức có tư cách pháp nhân là một tổ chức xã hội công ích hay một Hiệp hội được ưu đãi thuế với mục đích hỗ trợ việc hội nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như tăng cường tình đoàn kết quốc tế. Điều lệ này đã được sửa đổi và bổ sung tại Hội nghị thường niên của Liên hiệp Ngày 12/10/2013 theo diều khoản § 71 BGB Bộ luật công dân (Bürgerliches Gesetzbuch)
 

 

 

Go to top