Tôi sinh ra ở Xóm Đồi, ven con đường quốc lộ liên tỉnh. Quanh nhà là những quả đồi lúp xúp nhấp nhô như bát úp. Mỗi quả đồi có vài ba mái nhà lá nấp dưới những tán cọ, lùm trà xanh. Thường nhà nào cũng có nươnng sắn, vườn chè. Ngày xưa xóm đồi được gọi là rừng: Rừng cọ, rừng trám, rừng sơn…Chim cò, cầy cáo nhiều lắm. Dạo còn bé bẩy tám tuổi, sau đêm mưa, bão sáng ra dưới gốc rặng tre trắng cò con rơi xuống. Những năm 45-50, Thế Kỷ trước, nhiều đêm xóm đồi nổi chiêng, trống, thanh la… reo hò đuổi hổ về bắt lợn. Khi giặc Pháp tấn công từ Trung Hà, Việt Trì lên dân làng, cả xã đều chạy vào Xóm Đồi. 

Nhà tôi ở lưng chừng một quả đồi. Vạt vườn sau, trước nhà tôi có từ bao giờ mươi hàng chè cổ thụ, gốc mốc trắng xù xì, tán xòe rộng, như cái nong, búp non mơn mởn. Lui phía sau nhà là vườn cọ, có đến vài trăm cây. Cây cao cây thấp lá xòe rợp, mưa không lọt, nắng không tới. Những hôm có bão, gió khua đồi cọ nghe đến rợn người.  

Hàng cau trước cửa cao vút, cứ theo bóng ngả của nó ra sân những ngày nắng là đoán giờ trong ngày. Bên gốc cau, bầm tôi đặt chum tương bịt kín. Dưới gốc cây cau cao nhất bố tôi đặt cái vại bằng sành to màu da lươn để hứng nước mưa đun pha chè sáng tối. Những lúc đi chăn trâu, đá bóng về, cầm cái gáo dừa vục vào vại múc nước uống. Nước mưa chảy vào bụng, chảy xuống ngực ướt đầm. Sao mà ngọt, mà mát thế. 

Một tuần bầm tôi hái chè hai lần, mỗi lần chỉ độ hai thúng búp tươi. Bầm tôi hái từ sáng tinh mơ, mặt trời lên cũng là lúc bầm đổ ra nong phơi cho héo. Bố tôi sao chè khá cầu kỳ. Chè hơi héo đem cho vào thúng, lấy tay vò cho lá xoăn lại. Cái chảo gang to đặt trên bếp. Khi nhóm bếp ông lấy lá cọ khô đốt lửa thật to. Lá cọ cháy mùi thơm lắm, sau chọn củi khô, không có khói. Lửa cháy to chảo nóng già, lau lòng chảo, cho chè vào đảo liên tục, đều tay. Một lúc lại cho xuống vò. Phải đến 3 lần như thế (sao rồi vò), đến khi cánh chè xoăn lại, cong cong, nhỏ như cái lưỡi câu, và tỏa ra hương thơm của chè. Bố tôi sao chè ngon nhất xóm: Chè không già, không non lửa, không ám khói, nước vàng sánh, uống rất thơm... Chè Phú Thọ mang tiếng đỏ, uống không chát, ngọt chỉ vì phơi nắng, không sao suốt. Cứ mỗi lần sao xong mẻ chè cả xóm đến uống. Bố tôi và các bác pha chè rất cẩn thận. Cái siêu đồng chuyên đun nước mưa pha chè. Nước lấy từ vại để dưới gốc cau. Đêm trăng sáng, sau một ngày cày, cuốc vất vả, cái khăn vắt vai, tăm còn ngậm miệng, mọi người trải chiếu ra sân ngồi uống chè. Nước đun sôi, bố tôi tưới nước lên ấm, chén để tráng. Sau đó cho chè vào ấm, rót nước sôi rồi chắt cạn, tiếp tục cho nước độ hai phần ba ấm. Mọi người nói chuyện râm ran, tiếng điếu cày rít ròn tan. Cái đèn dầu ám khói. Đóm tre ngâm liên tục bắt lửa. Mọi người bảo chè ngon mà không có thuốc lào... uống vào nhạt thếch. Thuốc lào đãi khách bố tôi cũng chọn, cái đóm cũng cầu kỳ bằng tre ngâm, chẻ không quá dầy, quá mỏng, châm vào đèn là bắt lửa, đóm đậm lửa không tàn ngay. Bố tôi đưa ấm chè rót vòng quanh các chén bày sẵn, ba vòng thì chén săm sắp đầy, rồi mời từng người. Các bác nâng chén nhấm nháp, có bác nhẹ nhàng đưa qua đưa lại trước mũi, hưởng mùi thơm. Rồi tất cả mọi người "khà" một tiếng: “ Ngon thật!”. 

Bầm tôi tất bật xếp khoai lang vào rá, xách nải chuối ra sân tiếp khách. Bà ngoại tôi lẩy Kiều, tay cầm quạt cọ, phe phẩy cho mấy đứa cháu nằm trên cái nong ngắm trăng, đếm sao và ngắm mây đuổi nhau. Tiếng đuôi con trâu đập muỗi “ phành” ở gốc tre đầu nhà như gõ nhịp… 

Một ngày đồng áng mệt mỏi qua đi, cái thú uống chè của người nhà quê thật giản dị, chẳng cầu kỳ như bên Tầu, bên Nhật xa xôi, như những bậc văn chương, kẻ sỹ, cũng chẳng như kẻ phàm tục...  

Bây giờ tóc đã bạc rồi, nhà cao tầng đêm rằm cũng chả thấy ánh trăng… Tôi bỗng thấy cồn cào, nôn nao nhớ về những đêm trăng uống chè của người thân ở xóm Đồi xa lắc. Bố, bầm tôi và những người hàng xóm ngày xưa ấy nay đã về thiên cổ.  
 
Nhớ lắm Xóm Đồi ơi!    

PHÍ VĂN KỶ - Tạp văn.
(Ảnh minh họa: Nguồn FB  Phu Tho Online Community)


 

TS Phí Văn Kỷ (ảnh tác giả cung cấp)

Tác giả: Tiến sĩ Phí Văn Kỷ, nhà báo, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội khoa học Kinh tế Nông Lâm nghiệp Việt Nam, phụ trách biên tập Thông tin khoa học công nghệ - Đại học Hùng Vương - Phú Thọ, giảng viên khoa Quản lý Kinh tế - Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

 
Go to top