Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức mời đóng góp ý kiến cho „Thư gửi các ông, bà Nghị sỹ Quốc hội CHLB Đức“ về mưu đồ nguy hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông và Đông Nam Á.

Kính gửi: Các hội thành viên, hội viên Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức cùng toàn thể bà con cộng đồng,

Trước mưu đồ và hành động ngày càng trắng trợn và nguy hiểm của Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông và Đông Nam Á, Liên hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức đã soạn thảo bức thư gửi tới các Nghị sỹ Quốc hội CHLB Đức, kêu gọi các Nghị sỹ lên tiếng phản đối và có các biện pháp ngăn chặn âm mưu và hành động của Trung Quốc trên chính trường Quốc tế. Liên hiệp kính mời toàn thể bà con đóng góp ý kiến, để chúng ta có thể hoàn thiện sớm bức thư này. Xin trân trọng cảm ơn.

Ý kiến đóng góp xin gửi tới địa chỉ Email của Liên hiệp trước ngày 15/5/2015: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Duới đây là toàn văn bản dự thảo của bức thư:

Kính gửi quý ông bà nghị sĩ Quốc hội CHLB Đức,

Chúng tôi, những người Việt Nam và người Đức có nguồn gốc Viêt Nam trong Liên hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức và các hội đoàn người Việt khác đang sống, học tập và làm việc tại CHLB Đức xin gửi tới các quí ông, bà lời chào trân trọng.

Chúng tôi xin chuyển tới các ông, các bà bức thư này, trân trọng kêu gọi các Nghị sĩ Quốc hội lên tiếng phản đối những việc làm sai trái của Trung Quốc tại biển Đông, đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp Quốc tế về biển, phá hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái của Biển Đông, gâynguy cơ bất ổn nghiêm trọng cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định của cả thế giới.

Thưa quý bà, quý ông,
 
Như các quý vị đã biết, trong thời gian mấy năm gần đây, với chính sách nước lớn và tham vọng bành trướng, nhà cầm quyền Trung Quốc đã liên tục có các bước đi ngày càng thô bạo trong tranh chấp ở biển Đông, thể hiện âm mưu độc chiếm biển Đông. Bắc Kinh không ngần ngại có những hành động hung hăng nhằm áp đặt đòi hỏi chủ quyền trong khu vực Biển Đông, gây lo ngại không chỉ cho các nước láng giềng của Trung Quốc, mà cho cả các nước ngoài khu vực, từ Nhật Bản, Mỹ cho đến Úc, Ấn Độ…
 
Để hiện thực hóa tham vọng bành trướng trên các vùng biển chiến lược, Trung Quốc một mặt theo đuổi các tuyên bố chủ quyền đơn phương trên Biển Đông và Hoa Đông, Hoàng Hải, đồng thời cho triển khai các lực lượng hàng hải dân sự như tàu đánh cá và tàu hải cảnh, để dần dần xâm nhập và giành quyền kiểm soát khu vực Biển Đông và Hoa Đông.
 
Ở Biển Đông, Bắc Kinh đưa vùng biển gần lãnh thổ các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei vào trong vòng xoay quỹ đạo của Trung Quốc. Thi hành chính sách làm suy yếu dần năng lực phòng thủ của các nước, tận dụng bất cứ sự chia rẽ nào trong khối ASEAN để giành lợi thế.
 
Bắc Kinh đã xảo quyệt ngăn chặn sự can thiệp của luật pháp quốc tế và các cường quốc hàng hải như Mỹ và Ấn Độ vào ảnh hưởng trên Biển Đông. Dùng chính sách gây sức ép liên tục với các nước trong khu vực bằng những hành động, thủ đoạn mang tính ép buộc “vừa đủ” để tránh vi phạm “tấn công vũ trang” theo quy chuẩn của luật pháp quốc tế, không tạo ra những cuộc đối đầu hải quân lớn, để Mỹ không có lý do thực thi cam kết bảo vệ an ninh cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, đồng thời khiến các nước láng giềng không thể thực hiện quyền phòng thủ.

Năm 1999, Trung Quốc đã tuyên bố lệnh “cấm đánh bắt cá theo mùa” trên Biển Đông. Mặc dù họ không có quyền đưa ra những quy định về hoạt động đánh bắt cá bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của mình, song Bắc Kinh vẫn ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên cả một khu vực rộng tới 1.000 dặm tính từ mũi phía nam đảo Hải Nam của nước này, nhằm vơ vét một trữ lượng cá lớn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và ngang ngược ấn định quyền, đặc quyền kinh tế biển trong vùng Biển Đông.
 
Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei là bốn nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền trên một phần của Biển Đông, trong lúc Trung Quốc lại đưa ra yêu sách trên hầu như toàn bộ vùng biển này. Mặc dù họ có tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, nhưng từ năm 1996 Trung Quốc đưa ra hàng loạt tuyên bố chủ quyền hàng hải, liên tục cho công bố những bằng chứng chủ quyền phi lý đối với các hòn đảo, vùng biển nằm trên toàn khu vực Biển Đông. Điển hình, Bắc Kinh công bố tấm bản đồ “đường chín đoạn” gây tranh cãi để đòi hỏi chủ quyền trên gần 80% diện tích Biển Đông, bao trùm cả những vùng biển nằm kề duyên hải của các nước láng giềng. Không chỉ ở Biển Đông, Trung Quốc còn sáng chế các tuyên bố chủ quyền mang tính lịch sử trên biển Hoa Đông đối với quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.
 
Trung Quốc đã triển khai hàng loạt lực lượng thực thi pháp luật dân sự cùng các tàu thương mại dân sự. máy bay tới những khu vực mà nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền, đồng thời gây sức ép với các nước láng giềng tại khu vực đó. Các tàu đánh cá của Trung Quốc đã trở thành đội quân tiên phong trong chính sách từng bước giành quyền kiểm soát Biển Đông của họ. Thậm chí, “đội quân dân sự” này còn không ngại va chạm với các tàu bảo vệ biển của các quốc gia láng giềng khi tiến sát EEZ của những nước này. Thủ đoạn đó của Trung Quốc là nhằm khoanh vùng khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền và dựng lên một rào chắn ngăn cản sự tiếp cận của lực lượng hải quân các nước láng giềng. Hành động ngang ngược của Trung Quốc là nguyên nhân gây ra không ít vụ đụng độ gây thiệt hại về người và tài sản của các nước trong khu vực, nhất là với ngư dân của Việt Nam và Phillipin.
 
Tới tháng 5/2014, Trung Quốc tiếp tục một bước leo thang gây hấn trên Biển Đông bằng việc lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Để bảo vệ cho giàn khoan này, Bắc Kinh đã điều động tới gần 300 chiếc tàu đánh cá, máy bay bán quân sự, tàu chiến hải quân, gây hấn, khiêu chiến và tìm mọi thủ đoạn ngăn chặn cảnh sát biển của Việt Nam thực thi nhiệm vụ nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan của mình. Sau hai tháng, Trung Quốc mới lai dắt Hải Dương-981 về đảo Hải Nam.
 
Sang đầu năm 2015, Trung Quốc cấp tập xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo, cải tạo nhiều rạn san hô nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền ngang ngược trên Biển Đông. Bắc Kinh đã sử dụng những chiếc tàu nạo vét lớn để đưa một lượng cát và san hô lớn từ đáy đại dương, san bằng nhiều bãi đá, ngang nhiên tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo với hơn bốn cây số vuông trên Biển Đông ở rất gần với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Ở đó Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự, các hệ thống radar và một sân bay quân sự giữa đại dương. Vùng đất mà Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam có chiều dài tới 3000 mét, có khả năng sử dụng cho những loại máy bay lớn bao gồm cả máy bay ném bom tầm xa và các máy bay trinh sát.
 
Các hoạt động mở rộng của Trung Qụốc sẽ làm thay đổi hiện trạng trên biển Đông theo hướng có lợi nhất cho họ nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý, Việc làm này đang làm phức tạp tình trạng pháp lý vốn chưa rõ ràng, tiếp tục gây căng thẳng trên toàn khu vực. Mặc dù hiện những căng thẳng chưa đến mức có thể dẫn đến một cuộc xung đột ngay lập tức ở phía tây Thái Bình Dương, nhưng các dự án xây đảo nhân tạo và các hành động hung hăng khác của Trung Quốc là một phần chiến lược địa chính trị và địa kinh tế nhằm thay đổi lại cán cân quyền lực tại châu Á, thay thế ảnh hưởng và vị trí của Mỹ trong khu vực.
 
Việc làm trên của Trung Quốc đã khiến cho các nước láng giềng lo ngại một khả năng Trung Quốc đã sẵn sàng để củng cố quyền kiểm soát Biển Đông trên thực tế.
 
Chiến dịch bồi đắp, mở rộng và xây dựng cơ sở mà Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành trên các rạn san hô và bãi đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, dấy lên quan ngại về nguy cơ Bắc Kinh biến các nơi đó thành tiền đồn quân sự nhằm khống chế Biển Đông. Tác hại từ các hành động của Trung Quốc rất to lớn, vượt quá phạm vi khu vực, ảnh hưởng đến toàn thế giới, làm xói mòn hòa bình, ổn định, gây căng thẳng trong khu vực và thiệt hại lớn không thể khắc phục với các sinh vật biển và hệ sinh thái ở Biển Đông. Các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông xung quanh các đảo tranh chấp đang đe dọa tuyến đường hàng hải quốc tế và nghề đánh cá.
 
Tuy có thể chưa cho rằng Trung Quốc đang mưu toan lao vào một cuộc xung đột quân sự trong tranh chấp lãnh thổ các nước láng giềng Châu Á, nhưng khả năng về một sự leo thang, vượt quá tầm kiểm soát của các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế rất cần phải là mối quan ngại hàng đầu của các nhà lãnh đạo trên thế giới. Cộng đồng quốc tế cần phải có thái độ trước các hành động của Trung Quốc đang gây yêu sách chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông.
 
Tranh chấp trên Biển Đông không chỉ còn là vấn đề khu vực. Đây đã là vấn đề của toàn cầu, bởi 40% giá trị thương mại toàn thế giới đi qua đây. Các lãnh đạo thế giới đã bày tỏ lo ngại về điều này.
 
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng một đường băng có thể sử dụng cho mục đích quân sự ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh có thể còn có dự tính xây thêm công trình tương tự, động thái khiến Mỹ và các nước châu Á quan ngại.
 
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Philippines. Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm. Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hôm 15/4 ra tuyên bố về an ninh hàng hải, cũng bày tỏ quan ngại về những hành động đơn phương trên Biển Đông, bao gồm cải tạo đất quy mô lớn làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng của Trung Quốc.
 
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN cuối tháng 4.2015 vừa qua, toàn khối ASEAN đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tất cả đều bày tỏ lo ngại về những hành động vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) của Trung Quốc càng khiến việc tranh chấp trên biển Đông thêm phức tạp và nguy hiểm. 
 
Sau một loạt động thái mà Trung Quốc đang tiến hành tại vùng Biển Đông, Thượng nghị sĩ John McCain, cùng một số Thượng nghị sĩ khác tại Thượng viện Mỹ đã công khai lên tiếng tố cáo các hành vi của Bắc Kinh và yêu cầu Washington phải có chính sách đối phó cụ thể. Thượng viện Mỹ đã tiến thêm một bước trong việc thúc giục và hỗ trợ chính quyền trong việc đối đầu với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Hạ viện cũng như Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng thúc giục cần phải có phản ứng ngay trước khi tình hình trở nên quá muộn, khi mà Bắc Kinh hoàn tất việc thâu tóm Biển Đông.
 
Nhật Bản cũng đã có kế hoạch mở rộng phạm vi và khả năng đối phó trong xung đột vũ trang để có khả năng phối hợp với Mỹ ở Biển Đông.
́
Thưa quý ông bà Nghị sỹ,

Là một dân tộc láng giềng cận kề, Việt Nam luôn bị Trung Quốc tìm cách đô hộ và tiêu diệt trong suốt chiều dài lich sử và ngày nay Việt Nam đang tiếp tục bị Trung Quốc đe dọa, cướp đất và biển đảo, Việt Nam hiểu rõ bản chất nguy hiểm và âm mưu chiến lược xảo trá của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay đang làm mọi thủ đoạn để có thể thực hiện giấc mơ bá quyền thế giới có từ ngàn đời nay của các giới cầm quyền Trung Quốc.
 
Khi còn chưa quá muộn, chúng tôi trân trọng kêu gọi các nghị sĩ Quốc hội Đức thông qua chính sách đối ngoại của CHLB Đức, sử dụng vị trí đầu tầu ở châu Âu và cường quốc công nghiệp thế giới của CHLB Đức, có những biện pháp làm giảm hay ngưng các hành động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. Đặc biệt, yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng những căn cứ quân sự đe dọa tự do hàng hải trên tuyến đường hàng hải ở Biển Đông cũng như gây bất ổn cho hoà bình và môi trường sinh thái của Biển Đông.
 
Chúng tôi hy vọng rằng, dù đây chỉ là kiến nghị của Liên Hiệp người Việt toàn LB Đức và các tổ chức người Việt khác trên nước Đức muốn nói lên tâm tư nguyện vọng cũng như trách nhiệm của những người Việt Nam đang sống trên nước Đức, nhưng theo chúng tôi, đây là ý kiến khách quan, có trách nhiệm và phù hợp với nhận thức của nhân dân Việt Nam về mưu đồ nguy hiểm của nhà cầm quyền Trung Quốc.
 
Xin trân trọng cảm ơn!
 
Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức 

 

Go to top